Hành vi của Nguyễn Viết C có dấu hiệu của tội làm nhục người khác
Ngày đăng : 10:15, 07/11/2017
Đánh giá tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi do C thực hiện thấy rằng C là bị đơn trong vụ án do Thẩm phán Nguyễn Văn A đang tiến hành giải quyết, C đã nhiều lần được Thẩm phán A ký giấy triệu tập và nhận văn bản tố tụng của Tòa án. Thẩm phán A đã thực hiện các thủ tục tố tụng theo đúng quy định của pháp luật. Do đó có căn cứ khẳng định C biết thẩm phán A là người đại diện cho cơ quan pháp luật thực hiện việc giải quyết vụ án của A, C cũng biết mục đích Thẩm phán A và đoàn công tác đến nhà qua việc con trai C nói cho C biết là có người đến định giá ngôi nhà. Khi C yêu cầu Đoàn công tác giới thiệu tên, tuổi, chức vụ, đơn vị công tác, mục đích đến nhà. Ông A có nói với C là đủ thành phần sẽ tiến hành làm việc. Nhưng ngay sau đó C đã hất cốc nước Sôcôla vào cổ ông A, tiếp tục trong khoảng 20 phút sau đó, C có hành vi đi lại chỉ tay vào mặt ông A có lời nói xúc phạm danh dự uy tín và có thái độ không hợp tác với ông A và đuổi Đoàn công tác ra khỏi nhà. Hành vi C thực hiện diễn ra liên tục, công khai trước mặt đoàn công tác là những người thực thi pháp luật, mặc dù không gây náo loạn, không lôi kéo người khác tham gia nhưng hành vi do C thực hiện đã thể hiện tính nguy hiểm cho xã hội, thể hiện sự coi thường pháp luật, để lại dư luận xấu trong nhân dân do đó nếu áp dụng chế tài xử phạt hành chính đối với Nguyễn Viết C theo tôi nghĩ là không thỏa đáng, không đủ sức răn đe, giáo dục bản thân C và làm bài học phòng ngừa chung.
Hình ảnh mang tính chất minh họa (nguồn internet)
Hành vi của C không cấu thành tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại Điều 257 BLHS năm 1999, bởi vì đối tượng tác động cụ thể của tội chống người thi hành công vụ phải là người đang thi hành công vụ, tức người thi hành công vụ đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ công vụ và chưa kết thúc. Tại thời điểm Nguyễn Viết C thực hiện hành vi thì Thẩm phán Nguyễn Văn A và Đoàn công tác vẫn đang đợi đại diện chính quyền địa phương và Chủ tịch Hội đồng định giá đến rồi mới tiến hành làm việc, tức Thẩm phán Nguyễn Văn A chưa bắt đầu thực hiện công vụ. Nói cách khác là trong khoảng thời gian C thực hiện hành vi trái pháp luật với ông A thì ông A chưa bắt đầu thực hiện các hành vi tố tụng theo quy định pháp luật đối với việc định giá tài sản tại nhà C, chưa có hoạt động công vụ nào diễn ra.
Đối với tội “Làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 121 BLHS năm 1999, thì người phạm tội có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác với lỗi cố ý đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm. Vấn đề đặt ra, hiểu như thế nào là xúc phạm “nghiêm trọng” thì pháp luật không có văn bản hướng dẫn cụ thể, nhưng căn cứ vào thái độ, nhận thức của người phạm tội, cường độ, thời gian kéo dài của hành vi xúc phạm, vị trí, vai trò của người bị hại trong xã hội, sự ảnh hưởng tác động về tâm lý với người bị hại, môi trường xung quanh, dư luận xã hội thấy rằng: với điều kiện, hoàn cảnh của C cùng sự thông báo của con trai C thì C hoàn toàn nhận thức được mục đích của Thẩm phán A và Đoàn công tác có mặt tại nhà C. Trong điều kiện hoàn cảnh thực hiện nhiệm vụ công vụ, trước sự chứng kiến của các thành viên đoàn công tác và sự việc diễn ra tại địa phương thì hành vi trái pháp luật của A đã tạo dư luận không tốt trong nhân dân, làm xấu đi hình ảnh người thi hành công vụ và gây sự ảnh hưởng tâm lý nặng nề cho Thẩm phán Nguyễn Văn A. Do đó hành vi của Nguyễn Viết C đã thể hiện đầy đủ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, có tính chất xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của ông A, thỏa mãn dấu hiệu pháp lý về hành vi khách quan của tội Làm nhục người khác theo quy định tại Điều 121 của BLHS.
Kim Ngân
TAND tỉnh Hưng Yên
Bài viết có liên quan >>>
Tội Chống người thi hành công vụ hay tội Làm nhục người khác?