Không tách vụ án khi người bị hại sau đó là bị can
Ngày đăng : 08:57, 27/09/2017
Căn cứ Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về nhập hoặc tách vụ án để tiến hành điều tra và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018) thấy rằng về việc tách hoặc nhập vụ án để điều tra đều chung một mục đích là nhằm giải quyết vụ án kịp thời, toàn diện, đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. Khoản 2 Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và khoản 2 Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tách vụ án để điều tra đều không chỉ rõ những trường hợp nào là không được tách vụ án mà chỉ quy định Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong những trường hợp thật cần thiết là “ khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm” (điều kiện cần) và chỉ khi “việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án”(điều kiện đủ). Như vậy, trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án khi đáp ứng đủ cả hai điều kiện nêu trên.
Hình ảnh minh họa
Nhận thấy, theo nội dung vụ án thì hành vi phạm tội của các bị can diễn ra trong không gian, thời gian liên tục (các bị can phạm tội xảy ra liên tục trong khoảng một thời gian ngắn; địa điểm phạm tội là tại cùng một huyện), nguyên nhân và hậu quả của hành vi phạm tội có tính liên kết với nhau theo chuỗi hành vi; thẩm quyền điều tra thuộc Cơ quan điều tra huyện V (không liên quan đến thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra huyện khác);… đặc biệt, B phạm tội là do hành vi liền trước B bị L chém (B nhầm lẫn M là L). Trong vụ án này, M có mặt khi xảy ra vụ việc từ đầu đến cuối và khi B thực hiện hành vi phạm tội đối với M thì địa điểm xảy ra hành vi phạm tội cũng là tại nhà anh S.
Do vậy, để xem xét hoàn cảnh, điều kiện dẫn đến việc B thực hiện hành vi phạm tội đối với M là do trước đó B bị L chém gây thương tích và B tưởng nhầm M là L nên đã chém M. Bởi vậy, đối với hành vi phạm tội của L đối với B thì B được xác định tư cách là người bị hại; còn đối với hành vi B gây thương tích cho M thì B với tư cách là bị can. Việc điều tra vụ án B tham gia với hai tư cách tham gia tố tụng vừa là người bị hại vừa là bị can không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan đồng thời lại đảm bảo cho việc giải quyết vụ án đảm bảo tính toàn diện; không xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bị can mà ngược lại, việc tiến hành điều tra, giải quyết trong cùng một vụ án lại càng đảm bảo theo hướng có lợi khi xem xét hoàn cảnh phạm tội đối với B.
Việc điều tra, truy tố, xét xử các bị can trong một vụ án ngoài việc không trái với các quy định của pháp luật hiện hành (kể cả pháp luật về dân sự và pháp luật hình sự) thì còn nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ án một cách đơn giản (tránh sự phức tạp không đáng có), đảm bảo tính toàn diện, kịp thời và phù hợp nhất. Ngược lại, nếu tách vụ án để giải quyết thì sẽ không đảm bảo tính khách quan, toàn diện, không cần thiết và vi phạm khoản 2 Điều 117 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành.
Trong vụ án này, kể cả trường hợp việc giải quyết dân sự trong vụ án hình sự nếu chưa thỏa thuận xong thì cũng không cần thiết phải tách vụ án để giải quyết theo hai vụ án độc lập mà chỉ cần khởi tố vụ án hình sự về tội Cố ý gây thương tích xảy ra tại xã, huyện V tỉnh P để điều tra theo quy định. Việc điều tra, truy tố, xét xử không bị xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bị can cũng như những người tham gia tố tụng khác.
Bởi vậy, tôi đồng tình với ý kiến thứ hai là không cần phải tách vụ án mà chỉ cần xử lý chung trong một vụ án đối với cả ba bị can L, V và B.
Đinh Thị Phương Thanh
VKSND tỉnh Hà Tĩnh
Bài viết có liên quan >>>
Có tách vụ án khi người bị hại sau đó là bị cáo?
Không cần tách vụ án có bị hại sau đó là bị cáo