Góp tiền mua ma túy về dùng chỉ có thể xử lý hành chính?
Ngày đăng : 11:01, 18/09/2017
A là người khởi xướng, rủ rê, B là người giúp sức mua ma túy về sử dụng. Sau khi được A rủ , B góp 150.000 đồng, A góp 50.000 đồng rồi A dùng xe mô tô chở B cùng đi mua ma túy về để sử dụng. A và B chưa bàn bạc địa điểm, thời gian và cách thức, liều lượng sử dụng, trên đường cùng đi mua ma túy về để tìm nơi sử dụng thì A và B cùng bị bắt giữ và thu tang vật là 1 gói Hêrôin trọng lượng 0,123 gram và 1 xe mô tô. Như thế, A và B cùng mua ma túy để sử dụng nhưng trên đường đi chưa sử dụng thì bị bắt giữ, chứ không phải A và B có hành vi tàng trữ hay vận chuyển trái phép chất ma túy.
Ảnh có tính minh họa (nguồn internet)
Nguyên tắc xử lý của pháp luật, mỗi hành vi vi phạm pháp luật chỉ bị áp dụng một biện pháp xử lý. Ở đây, A và B chỉ đi mua ma túy về để sử dụng, đang tìm địa điểm sử dụng nên không thể chuyển đổi thành hành vi tàng trữ hay vận chuyển trái phép chất ma túy đối với A và B tại thời điểm bị bắt giữ.
Như vậy, để xác định hành vi của A và B có cấu thành tội phạm theo quy định của BLHS hay không cần đối chiếu với cấu thành cơ bản của tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy theo quy định tại Điều 194 BLHS:“Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”.
Theo hướng dẫn tại Điểm c Tiểu mục 3.7 Mục 3 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA- VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, VKSND tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII- “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999 quy định (TTLT số 17): “Người nào biết người khác đi mua chất ma túy để sử dụng trái phép mà gửi tiền nhờ mua hộ chất ma túy để sử dụng thì người nhờ mua hộ phải chịu trách nhiệm hình sự về số lượng chất ma túy đã nhờ mua hộ. Người đi mua phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng số lượng chất ma túy đã mua cho bản thân và mua hộ”.
Theo hướng dẫn trên không có “người nào” gửi mua ma túy ngoài A và B mà chỉ có “người mua” ma túy để sử dụng đó là A và B. Sau khi A điện thoại rủ B góp tiền mua ma túy sử dụng thì được B đồng ý góp tiền 150.000 đồng và A góp 50.000 đồng và cùng nhau đi mua. A và B không tính toán góp tiền bao nhiêu, mua ma túy trọng lượng bao nhiêu và mỗi người sử dụng bao nhiêu… nhưng A và B đều là người trực tiếp mua ma túy sử dụng chứ A không gửi cho B mua nhờ và A cũng không nhờ B chở A đi mua ma túy và ngược lại nên A và B phải chịu chung về hành vi mua ma túy về để sử dụng và số lượng ma túy mà mình đã mua.
Mặt khác, căn cứ Điểm d Tiểu mục 3.7 Mục 3 Phần II TTLT số 17 hướng dẫn:“Người nào biết người khác mua chất ma túy để sử dụng trái phép mà dùng phương tiện để chở họ cùng chất ma túy và bị bắt giữ nếu số lượng chất ma túy đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy thì người đó là đồng phạm với người mua về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy quy định tại Điều 194 BLHS”.
Theo hướng dẫn trên thì hành vi của A và B không đủ yếu tố cấu thành tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy.
Như vậy, để làm rõ A và B có hành vi mua bán trái phép chất ma túy hay không cần căn cứ Tiểu mục 3.3 Mục 3 Phần II TTLT số 17 hướng dẫn: Mua bán trái phép chất ma túy” là một trong các hành vi sau đây:
a) Bán trái phép chất ma túy cho người khác (không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma túy do đâu mà có) bao gồm cả việc bán hộ chất ma túy cho người khác để hưởng tiền công hoặc các lợi ích khác;
b) Mua chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;
c) Xin chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;
d) Dùng chất ma túy nhằm trao đổi thanh toán trái phép (không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma túy do đâu mà có);
đ) Dùng tài sản không phải là tiền đem trao đổi, thanh toán… lấy chất ma túy nhằm bán lại trái phép cho người khác;
e) Tàng trữ chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;
g) Vận chuyển chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác.
Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi mua bán trái phép chất ma túy được hướng dẫn từ điểm a đến điểm g tiểu mục 3.3 này đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy”.
Theo hướng dẫn nêu trên thì hành vi A và B mua 0,123 gram Hêrôin (chất ma túy) về sử dụng không nhằm bán lại, trao đổi, thanh toán, thế chấp… trái phép nên A và B không bị xử lý theo pháp luật hình sự.
Từ những phân tích nêu trên và đối chiếu với hướng dẫn tại TTLT số 17 cho thấy, hành vi mua 0,123 gram Hêrôin (ma túy) về để sử dụng của A và B không cấu thành tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy theo quy định tại Điều 194 BLHS, nên hành vi của A và B chỉ bị xử lý hành chính theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 BLHS.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp và bạn đọc.
Lê Thanh Bình
VKSND huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định
Bài viết liên quan>>>
Góp tiền mua ma túy để dùng là đồng phạm tội tàng trữ
Góp tiền mua ma túy về dùng có đồng phạm không?
Góp tiền mua ma túy dùng chung là đồng phạm