VKS phải kiểm sát việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, sau đó trả tự do

Ngày đăng : 03:46, 14/09/2017

(Kiemsat.vn) - Phạm vi thực hành quyền công tố luôn gắn liền với việc tiến hành các hoạt động điều tra, được bắt đầu từ khi vụ việc xảy ra đến khi kết thúc việc buộc tội. Do vậy, VKS phải kiểm sát việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, sau đó trả tự do.
Viện kiểm sát là cơ quan có chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, VKS phải có trách nhiệm thực hiện các chức năng trong suốt quá trình tố tụng từ khi vụ án được phát hiện tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, khởi tố điều tra đến hoàn thành việc xét xử, bản án có hiệu lực pháp luật.Hoạt động của VKS nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều phải được xử lý kịp thời; việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội.

VKS phải kiểm sát việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, sau đó trả tự do

Ảnh minh họa, nguồn: internet

Về phạm vi thực hành quyền công tố của VKS luôn gắn liền với việc tiến hành các hoạt động điều tra, được bắt đầu từ khi vụ việc phạm tội xảy ra trong suốt quá trình điều tra đến khi kết thúc việc buộc tội. Do đó, thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra bắt đầu từ khi tội phạm xảy ra và kết thúc khi việc điều tra kết thúc hoặc đình chỉ vụ án. Khi nào ở đâu, Cơ quan điều tra tiến hành nghiệp vụ điều tra như: Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét, lấy lời khai người làm chứng, người bị tình nghi…, thì khi đó Viện kiểm sát có trách nhiệm thực hành quyền công tố. Trong trường hợp không có tội phạm thì quyền công tố bị triệt tiêu, theo đó cũng chấm dứt mọi hoạt động tố tụng, trong đó có thực hành quyền công tố.

Khoản 1 Điều 159 năm 2015 BLTTHS quy định nhiệm vụ, quyền hạn của VKS khi thực hành quyền công tố trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm “Phê chuẩn, không phê chuẩn việc bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ; phê chuẩn, không phê chuẩn các biện pháp khác hạn chế quyền con người, quyền công dân trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm theo quy định của Bộ luật này”.

Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định chi tiết Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định trả tự do cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, quyết định trả tự do và tài liệu có liên quan có phải gửi cho VKS để kiểm sát hoạt động giữ người trong trường hợp khẩn cấp hay không. Nhưng với phạm vi, chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự của VKS được pháp luật quy định thì VKS được thực hiện từ khi tội phạm xảy ra và kết thúc khi việc điều tra kết thúc hoặc đình chỉ vụ án. Do vậy, VKS phải kiểm sát hoạt động giữ người trong trường hợp khẩn cấp của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, kể cả trường hợp giữ người sau đó phải trả tự do. Như vậy, trong mọi trường hợp Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giữ người trong trường hợp khẩn cấp phải gửi toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến VKS để kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự.

Ths. Lê Văn Quang

Phó Viện trưởng, VKSND huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước

Bài viết có liên quan>>>

Viện kiểm sát có kiểm sát việc CQĐT giữ người trong trường hợp khẩn cấp, sau đó trả tự do?