Trao đổi: Lê Văn T và đồng bọn phạm tội giết người

Ngày đăng : 09:04, 06/09/2017

(Kiemsat.vn) - Trong nhiều hội nghị, việc phân biệt hai tội cố ý gây thương tích dẫn tới hậu quả làm chết người và giết người đã được đưa ra bàn thảo, rút kinh nghiệm. Dù vậy đến nay, phân biệt được chúng không phải là việc dễ dàng. Hai tác giả trong bài viết đã phân tích về mục đích phạm tội để cho thấy: Lê Văn T và đồng bọn phạm tội giết người.

*Tác giả Dương Văn Hưng – TAQS khu vực 1 Quân chủng Hải quân

(Xem nội dung bài nêu vấn đề tranh luận tại đường link đính kèm)

Ảnh minh họa

Quan điểm của tôi có cùng suy nghĩ với tác giả và có một vài phân tích như sau:

Khi xem xét giữa tội giết người (hoàn thành) và tội cố ý gây thương tích trong trường hợp dẫn đến chết người ở vụ án này, nếu vấn đề xác định mục đích phạm tội của các bị can trở lên bế tắc thì cần xét tại hành vi mà các bị can thực hiện:

Một là, các bị can không có mục đích giết người nhưng trong quá trình thực hiện biết rằng hành vi của mình tất yếu sẽ làm nạn nhân chết mà vẫn thực hiện.

Trong vụ án này ta thấy:“T đưa 06 ngón tay thì B đánh sáu cái vào ngực anh H, hắn đưa 02 ngón nữa thì B tiếp tục đánh thêm hai cái vào ngực anh H. Khi cán bộ trại giam đi kiểm tra thì chúng làm ra vẻ không có chuyện gì xảy ra, nhưng cán bộ vừa đi khỏi thì hắn tiếp tục ra lệnh cho đàn em đánh đập anh H. Đến bữa ăn tối, chúng trói anh H, ngâm xuống sàn nước và không cho ăn. Khi thấy anh H có những biểu hiện mệt mỏi, T còn cho là giả vờ nên lôi ra đánh tiếp.”  Có thể thấy, các bị can biết được hành vi đánh đập có thể làm cho H chết, tuy nhiên chúng vẫn thực hiện mặc dù biết cán bộ trại giam thường xuyên kiểm tra.

Hai là, ngay cả việc trước lúc thực hiện hành động các bị can không có mục đích giết người nhưng nếu sử dụng hung khí nguy hiểm hoặc kể cả sử dụng chân tay tấn công vào các vị trí hiểm yếu trên cơ thể nạn nhân (trong vụ án các bị can đều đánh, đập vào ngực nạn nhân) hoặc trong điều kiện, hoàn cảnh gây nguy hiểm cao (nạn nhân bị nhiễm HIV, sức khỏe không tốt, hơn nữa khi đánh H, các bị can còn  “trói anh H, ngâm xuống sàn nước và không cho ăn. Khi thấy anh H có những biểu hiện mệt mỏi, T còn cho là giả vờ nên lôi ra đánh tiếp”) thì ở vụ án ta thấy được tính chất nguy hiểm cao của điều kiện, hoàn cảnh mà H bị đánh đập như vậy.

Tình tiết khi anh “H thở yếu (gần tắt thở) thì chúng bày trò thay đồ cho anh H, xức dầu và báo cho quản giáo trại giam đưa anh H đi cấp cứu, nhưng sau đó anh H tử vong. Sau khi biết anh H chết, bọn chúng đã dặn nhau, nếu cán bộ hỏi thì khai rằng: “Do anh H lên cơn nghiện ma túy nên chúng xối nước để giúp H cắt cơn, không ngờ H lại trúng gió rồi chết !”. chỉ là hành vi che đậy việc phạm tội, chúng nghĩ rằng làm như vậy để cơ quan chức năng không thể phát hiện ra hành vi phạm tội của chúng mà thôi.

Do vậy, hành vi của các bị can đã phạm tội giết người theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Hình sự 1999; cần phải xử lý nghiêm các đối tượng mới có tác dụng răn đe, hạn chế tình trạng trên tại các trại giam, nhà tạm giữ.

* Tác giả Trần Văn Hùng – TAQS khu vực 2 Quân khu 4

Mục đích là yếu tố rất quan trọng để phân biệt giữa hai tội danh là tội giết người và tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người, tuy nhiên cần căn cứ vào nhiều yếu tố khác để phân biệt vì trong thực tiễn ranh giới của hai tội danh này rất mong manh.

Việc phân biệt giữa hai tội danh này cần căn cứ vào các yếu tố sau đây:

– Động cơ, mục đích của tội phạm: Chính nội dung này xác định rõ nhất lỗi của can phạm là cố ý giết người hay cố ý gây thương tích. VD: Nếu mục đích là giết người để che giấu tội phạm thì không thể xác định là cố ý gây thương tích được. Nếu đánh con với mục đích để răn dạy con thì khó xác định là giết người…

– Phương tiện, thủ đoạn, hoàn cảnh phạm tội: Đây cũng là những yếu tố xác định ý thức chủ quan của can phạm, phương tiện, thủ đoạn càng nguy hiểm thì càng chứng minh rõ mong muốn tước đoạt sinh mạng của nạn nhân. VD: can phạm ném lựu đạn vào chỗ nạn nhân đứng, lựu đạn nổ làm nạn nhân chết thì xác định ngay được can phạm phạm tội giết người.

– Vùng tấn công, mức độ tấn công của can phạm và các tình tiết khác… VD: Hành vi dùng dao nhọn đâm nhiều nhát vào vùng tim nạn nhân thì không thể biện minh đây không phải tội giết người được.

Trong tình huống nêu trên, Lê Văn T là phạm nhân đã tự cho mình là trưởng buồng và đặt ra cho các nội quy trong phòng giam giữ, T đã ra lệnh cho những tù nhân khác đánh Trần Văn H, việc T ra lệnh đánh H diễn ra trong nhiều ngày, nhiều thời điểm khác nhau và bằng nhiều cách thức khác nhau với mức độ và cường độ đánh đập ngày càng tăng; đồng thời đánh đập vào những vị trí trọng yếu của cơ thể như vùng ngực, hơn nữa phạm nhân Trần Văn H đang bị nhiễm HIV sức khỏe yếu. T và những tù nhân khác biết được rằng việc đánh đập như vậy có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn thực hiện và hậu quả là phạm nhân Trần Văn H đã chết.

Từ những phân tích nêu trên cho thấy, hành vi của Lê Văn T và những phạm nhân khác đã phạm tội giết người theo quy định tại Điều 93 BLHS là hoàn toàn có cơ sở.

Bài viết có liên quan>>>

Đánh chết người trong trại giam: Giết người hay cố ý gây thương tích?