Cạy phá ATM chưa lấy được tiền: Không phạm tội?!

Ngày đăng : 10:07, 05/09/2017

(Kiemsat.vn) – Theo ý kiến của tác giả thì Dương Văn T không phạm tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”, và cũng chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “Trộm cắp tài sản”

Dương Văn T chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “Trộm cắp tài sản”

Hành vi khách quan: Đặc điểm của tội trộm cắp tài sản là người phạm tội có hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng hình thức lén lút, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản (không có mặt ở nơi để tài sản hoặc tài sản không có người trực tiếp quản lý – tài sản ở nơi công cộng). Ở đây, T vào cây ATM để trú mưa, lợi dụng không có người nên T đã cạy phá cây ATM thì đây là một hành động lén lút dựa trên sơ hở của người quản lý tài sản. Tuy nhiên, hành vi khách quan là hành vi chiếm đoạt, phải có sự dịch chuyển trực tiếp tài sản ra khỏi vị trí ban đầu. Hành vi chiếm đoạt của T không thực hiện được vì bị bảo vệ phát hiện và tri hô là nguyên nhân ngoài ý muốn của T. Vì hành vi khách quan không thực hiện được, nên không thể xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt là bao nhiêu. Không thể cho rằng, trong cây ATM có bao nhiêu tiền thì tài sản bị chiếm đoạt là bấy nhiêu, vì số tiền mặt ở đây là số lượng lớn, phải căn cứ vào ý định chiếm đoạt tài sản của người phạm tội.

Hình ảnh mang tính chất minh họa

Theo hướng dẫn tại Ví dụ 2, điểm b, khoản 2 Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của BLHS năm 1999: Trần C (chưa bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản, chưa bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản hoặc bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, nhưng đã được xoá án tích) phá khoá cửa và nhà của người khác với ý thức có tài sản gì thì lấy trộm tài sản đó, nhưng chưa lấy được tài sản gì thì bị phát hiện và bị bắt giữ. Trong trường hợp này thì không thể xác định được hành vi vi phạm của Trần C đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm hay chưa (vì không thể xác định được giá trị tài sản bị chiếm đoạt); do đó, tuyên bố Trần C không phạm tội “trộm cắp tài sản” mà họ đã bị truy tố. Trong trường hợp của T, tài sản (tiền mặt) được xác định là số nhiều nên không thể chứng minh được tài sản T muốn chiếm đoạt là bao nhiêu (không như trộm cắp xe máy, xe ô tô,… tài sản là số ít, có thể xác định được giá trị mà người phạm tội sẽ chiếm đoạt). Nếu chỉ căn cứ vào lời khai của T mà không chứng minh được T sẽ lấy hết số tiền đó thì theo nguyên tắc suy đoán có lợi cho người phạm tội thì T được loại trừ trách nhiệm hình sự nếu như T chỉ mới chuẩn bị phạm tội.

Cạy phá cây ATM là giai đoạn chuẩn bị phạm tội, tạo điều kiện để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, chỉ khi có sự tác động trực tiếp đến tài sản (tiền trong cây ATM) nhưng chưa chiếm đoạt được thì bị phát hiện, hoặc mới định dịch chuyển thì bị bắt và tịch thu luôn thì mới được xem là phạm tội chưa đạt. Vì T chưa tác động trực tiếp đến tài sản, mà chỉ mới tạo điều kiện để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản nên T chỉ mới ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội. Và do không thể chứng minh được T sẽ chiếm đoạt bao nhiêu tiền nên không thể xác định được khung hình phạt mà T sẽ được áp dụng thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng hay không. Nên theo nguyên suy đoán có lợi cho người phạm tội thì T được loại trừ trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại khoản 4, Điều 8 BLHS 1999: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.” Do đó, theo quan điểm của tôi, đối với trường hợp của T có thể sẽ bị xử phạt hành chính và bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự (theo quy định tại Điều 604, 605 Bộ luật Dân sự 2005)

T không phạm tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”

Tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” thì mục đích của người phạm tội là mong muốn làm hư hỏng tài sản của người khác. Ngoài mục đích này, người phạm tội không có mục đích nào khác và mục đích này cũng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu người phạm tội có mục đích khác, còn việc làm hư hỏng tài sản chỉ là phương pháp để đạt được mục đích khác thì không phạm tội cố ý làm hư hỏng tài sản mà tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội tương ứng.

Người phạm tội cố ý làm hư hỏng tài sản có nhiều động cơ khác nhau như: để trả thù, vì ghen tuông… nhưng chủ yếu là vì tư thù. Động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành, mà nó chỉ có ý nghĩa trong việc xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm. Ở đây, T đập phá cây ATM để lấy trộm số tiền trong cây ATM, hành vi này chỉ là hành vi đi liền trước hành vi chiếm đoạt, là phương pháp để T đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản của mình, nên T không phạm tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”. 

Như vậy, theo quan điểm của tôi, T không phạm tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” và không phạm tội “Trộm cắp tài sản”. T sẽ bị xử lý hành chính và phải bồi thường thiệt hại dân sự đối với việc gây ra thiệt hại khi phá cây ATM

Nguyễn Thị Thanh Thủy

VKSQS Khu vực 43

Bài viết có liên quan>>>

Cạy máy ATM chưa lấy được tiền, có phạm tội không?