Cạy máy ATM chưa lấy được tiền, có phạm tội không?
Ngày đăng : 05:59, 01/09/2017
Thứ nhất, dấu hiệu trong tội trộm cắp tài sản đó là người phạm tội lén lút chiếm đoạt tài sản một cách bất hợp pháp. “Chiếm đoạt là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp – có thể là là dịch chuyển về mặt pháp lý, có thể là về mặt thực tế, trong đó người chiếm đoạt đã sử dụng biện pháp, phương thức không được pháp luật cho phép tước bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đang thuộc quyền sở hữu hoặc quyền quản lý hợp pháp của người đó”.
Hình ảnh mang tính chất minh họa
Như vậy, tội phạm đã hoàn thành kể từ khi người phạm tội lén lút chiếm đoạt, dịch chuyển tài sản của người khác khỏi vị trí ban đầu là thời điểm thực hiện hành vi chiếm đoạt được xác định ngay từ thời điểm dịch chuyển đó. Để xác định thời điểm người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa, người ta chia ra thành các trường hợp:
Một là, đối với loại tài sản nhỏ gọn thì thời điểm được coi là đã chiếm đoạt được tài sản là khi người phạm tội đã giấu chúng vào người hoặc giấu vào đồ vật mang theo.
Hai là, đối với loại tài sản to lớn, cồng kềnh, khó cất giấu thì thời điểm được coi là đã chiếm đoạt được tài sản khi người phạm tội đã vận chuyển được chúng ra khỏi khu vực cất giữ hoặc bảo quản.
Ba là, đối với tài sản không có khu vực bảo quản riêng thì thời điểm đã chiếm đoạt được tài sản là khi người lấy tài sản đã đưa chúng ra khỏi vị trí ban đầu.
Từ những phân tích nêu trên có thể nhận thấy trong tình huống này, Dương Văn T chưa lấy được số tiền của ngân hàng, nghĩa là chưa dịch chuyển tài sản khỏi vị trí ban đầu, số tiền trong cây ATM vẫn thuộc quyền sở hữu của ngân hàng, như vậy Dương Văn T hoàn toàn không phạm tội “Trộm cắp tài sản”
Thứ hai; trong tình huống nêu trên, Dương Văn T đã có hành vi đập phá làm máy ATM hư hỏng một số thiết bị tổng thiệt hại là 209.114.400 đồng, hành vi của T đủ yếu tố cấu thành tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 143 BLHS.
Trần Văn Hùng
TAQS khu vực 2 quân khu 4