Nguyễn Văn A và Lê Minh B đồng phạm tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”
Ngày đăng : 09:29, 05/07/2017
Với dữ liệu nội dung vụ án đã nêu ra, tôi xin có ý kiến như sau:
Ảnh có tính minh họa (nguồn internet)
Căn cứ quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì Nguyễn Văn A và Lê Minh B sẽ không bị xem xét về các tội sau: Tội Trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 192), tội Sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 193), tội Tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 195), tội Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 196), tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 197), tội Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 198), tội Sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 199), tội Cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 200) và tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác (Điều 201).
Do đó, A và B sẽ bị thu hút về tội Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy theo quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 1999. Vậy, xử lý A về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy hay Vận chuyển trái phép chất ma túy hay Mua bán trái phép chất ma túy hay Chiếm đoạt chất ma túy để đảm bảo đúng tội danh? Và B có đồng phạm với A hay không?
Thứ nhất, về tội Chiếm đoạt chất ma túy: A và B không có hành vi trộm cắp, lừa đảo, tham ô, lạm dụng tín nhiệm, cưỡng đoạt, cướp, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt chất ma túy nên A và B không phạm tội Chiếm đoạt chất ma túy.
Thứ hai, về tội Mua bán trái phép chất ma túy: A mua ma túy nhằm mục đích để A và B sử dụng chứ không nhằm mục đích bán trái phép cho người khác và cũng không có hành vi tàng trữ hay vận chuyển để bán trái phép gói Hê rô in trên cho người khác nên A không phạm tội Mua bán trái phép chất ma túy. Bởi vậy, B cũng không đồng phạm với A về tội này.
Thứ ba, về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy: A đã chủ động rủ B cùng góp tiền mua ma túy để A và B sử dụng. A điều khiển xe chở B đi mua ma túy, B đã đi cùng A đến địa điểm mua ma túy và sau khi A trực tiếp vào mua xong, A, B cùng nhau đi tìm nơi để sử dụng gói Hê rô in vừa mua được thì bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh N khám xét khẩn cấp, thu giữ trong lòng bàn tay phải của A 01 gói Hê rô in có trọng lượng 0,123 gam. Căn cứ vào lời khai của A và tang vật thu giữ thì đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự A về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy (A tàng trữ ma túy để sử dụng). Vì: A mua ma túy để sử dụng, trong tổng số tiền (200.000 đồng) để mua ma túy có một phần tiền của A (50.000 đồng), lượng ma túy A mua đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự (0,123 gam). A vận chuyển ma túy là nhằm mục đích đưa gói Hê rô in mà A vừa mua được để tìm nơi sử dụng chứ không nhằm mục đích khác (mua bán hay vận chuyển cho người khác). Căn cứ tiểu mục 3.1 Mục 3 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp quy định: “Tàng trữ trái phép chất ma túy là cất giữ, cất giấu bất hợp pháp chất ma túy bất cứ nơi nào… mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển hay sản xuất trái phép chất ma túy”. Do đó, khi A hoàn thành việc mua ma túy thì A đã phải chịu trách nhiệm hình sự theo mục đích sử dụng của mình. Thời điểm này, tội phạm đã hoàn thành. Do đó, A phạm tội Tàng trữ trái phép chất ma túy theo quy định tại khoản 1 Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Đối với B, mặc dù không có cơ sở để xác định sau khi mua xong trên đường đi sử dụng ma túy, B có điều khiển xe chở A hay không nhưng việc B điều khiển xe chở A hay A điều khiển xe chở B cũng không phải là tình tiết, yếu tố để xem xét trách nhiệm hình sự đối với B trong vụ án này. Bởi lẽ, B đã đồng phạm với A ngay từ khi B góp tiền và cùng A đi mua ma túy (kể cả trường hợp B không cùng A đi mua ma túy nhưng đủ cơ sở để chứng minh B biết A đi mua ma túy để sử dụng và đã góp tiền cho A đi mua) thì B vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm (giúp sức A mua ma túy: A mua được gói Hê rô in trên là do B cùng góp tiền). Vì vậy, trong vụ án này, B đồng phạm với A về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy theo quy định tại khoản 1 Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Thứ tư, về tội Vận chuyển trái phép chất ma túy thì theo nội dung vụ án, mặc dù A có hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác bằng hình thức A nắm gói Hê rô in trong tay, có sự di chuyển địa điểm từ nơi mua đến đoạn đường khác – địa điểm bị khám xét, thu giữ nhưng A không vận chuyển cho người khác (không ai nhờ, không ai thuê,..) và việc A vận chuyển gói Hê rô in trên là vận chuyển cho chính mình nhằm mục đích để A và B đi tìm nơi sử dụng. Theo hướng dẫn tại tiểu mục 3.2 Mục 3 Phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 “Vận chuyển trái phép chất ma túy là hành vi dịch chuyển bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào… mà không nhằm mục đích mua bán, tàng trữ hay sản xuất trái phép chất ma túy khác”. Vì vậy, trong vụ án này A không phạm tội Vận chuyển trái phép chất ma túy. Do đó, không có cơ sở để xem xét B đồng phạm với A về tội này.
Từ sự phân tích trên, tôi cho rằng: A phạm tội Tàng trữ trái phép chất ma túy, B đồng phạm với A về tội Tàng trữ trái phép chất ma túy.
Đinh Thị Phương Thanh
Thanh tra VKSND tỉnh Hà Tĩnh
Bài viết liên quan >>>
Góp tiền mua ma túy về dùng có đồng phạm không?