Hành vi của T cấu thành tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
Ngày đăng : 11:27, 16/05/2017
Ý định của T phá máy ATM là để lấy tiền, số tiền bên trong ATM tại thời điểm T có ý định trộm cắp là 354.240.000 đồng nhưng vì lấy không được tiền nên T đã đập phá máy ATM (cố ý làm hư hỏng tài sản) gây thiệt hại 209.114.400 đồng.
Căn cứ Tiểu mục 3.3. Mục I Thông tư liên tịch số: 02/2001/TTLT-TANDTC- VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 của TANDTC, VKSNDTC, BCA, BTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu”của Bộ luật hình sự năm 1999 (TT02): “Đối với các tội có quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt, giá trị tài sản bị sử dụng trái phép, giá trị tài sản bị huỷ hoại hoặc bị làm hư hỏng, thì việc xác định hậu quả thiệt hại về tài sản không phải căn cứ vào giá trị tài sản bị chiếm đoạt, giá trị tài sản bị sử dụng trái phép, giá trị tài sản bị huỷ hoại hoặc bị làm hư hỏng, vì giá trị tài sản này đã được quy định thành tình tiết định khung riêng biệt. Hậu quả phải là thiệt hại về tài sản xảy ra ngoài giá trị tài sản bị chiếm đoạt, giá trị tài sản bị sử dụng trái phép, giá trị tài sản bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng”.
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Theo đó, tội trộm cắp tài sản có cấu thành vật chất, tài sản phải chiếm đoạt được và có định lượng. Tuy bên trong máy ATM tại thời điểm T định trộm cắp có 354.240.000 đồng nhưng Cơ quan điều tra đã xác định số tiền mặt bên trong két của cây ATM chưa bị mất. Tức là, T chưa chiếm đoạt được tiền trong máy ATM, nên hành vi của T không đủ yêu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 138 BLHS.
Mặt khác, Điều 138 BLHS đã quy định tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” là tình tiết định khung (K 2, 3, 4) nhưng hành vi của T không đủ yếu tố cấu thành tội trộm cắp tài sản nên không thể lấy giá trị thiệt hại máy ATM 209.114.400 đồng để làm tình tiết định khung 2 của Điều 138 BLHS để buộc tội đối với T hay buộc T bồi thường thiệt hại (Điểm a.6, Tiểu mục 3.4, Mục I- TT 02).
Thế nhưng, T đã có hành vi đập phá làm máy ATM hư hỏng một số thiết bị tổng thiệt hại là 209.114.400 đồng. Cũng như tội trộm cắp tài sản, tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản cũng có cấu thành vật chất, tài sản hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng phải có định lượng, nên tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản có cấu thành cơ bản như sau: “Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Vì vậy, hành vi của T đủ yếu tố cấu thành tội Cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 143 BLHS.
Lê Thanh Bình
VKSND Phù Mỹ – Bình Định
Bài viết có liên quan>>>
Cạy phá ATM nhưng chưa lấy được tiền thì phạm tội gì?
Dương Văn T phạm tội Trộm cắp tài sản