Hành vi của Nguyễn Văn A cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Ngày đăng : 03:02, 08/05/2017
Do đặc điểm riêng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là chiếm đoạt, nhưng chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối. Mà thủ đoạn gian dối của người phạm tội ở đây, bao giờ cũng phải có trước khi có việc giao tài sản giữa người bị hại và người phạm tội, thì mới được xem là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo như nội dung vụ việc tác giả đưa ra, khi B (chủ tài sản) gọi điện hẹn sẽ mang điện thoại giao cho A, ngay lúc này A đã nảy sinh ý định chiếm đoạt, nên đã chủ động thu xếp thời gian (19h) và địa điểm (nhà bà T) khi biết rõ nhà này không có ai và đang khóa cửa. Như vậy là A đã có ý định chiếm đoạt rõ ràng trước khi mang tới giao, nên đã tự mình lựa chọn địa điểm, thời gian, để thuận tiện cho việc bỏ trốn khi đã đạt được mục đích.
Về phía người bị hại B, là người cả tin và mất cảnh giác nên đã bị A dùng thủ đoạn gian dối đánh lừa. Mà cụ thể ở đây A đã nói dối là nhà của mình, quên chìa khóa, nên phải ngồi đợi vợ mang chìa khóa về, với mục đích làm cho B tin tưởng để tiếp cận tài sản, khi đã đạt được mục đích, A tiếp tục nói dối đi ra ngoài lấy chìa khóa rồi nhanh chóng đi khỏi nơi giao hàng, khi trên tay đang cầm điện thoại của B. Ở đây A đã đưa thông tin không phù hợp với thực tế khách quan nhằm làm cho người tiếp nhận thông tin này cho đó là thật và kết quả B đã tin. Như vậy hành vi lừa dối được thực hiện qua lời nói của A đã thành công.
Hành vi sau khi lấy được điện thoại của B rồi nhanh chóng đi ra khỏi nơi giao hàng và tẩu thoát như tác giả đã nêu, ở đây chỉ là sự tiếp nối của một chuỗi các hành vi gian dối như trên của A khi đã đoạt được tài sản như mục đích ban đầu. Chứ không phải là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội “Cướp giật tài sản” theo Điều 136 của BLHS.
Nên hành vi của A khi chiếm đoạt chiếc điện thoại của B đã phạm vào tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định khoản 2 Điều 139 BLHS. “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng, hoặc dưới hai triệu đồng nhưng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Cao Văn Huynh
Tòa án quân sự KV2, QK4. Thừa Thiên Huế.
Bài viết có liên quan>>>