Hiểu thế nào về rút yêu cầu khởi tố của bị hại theo BLTTHS 2015?
Ngày đăng : 10:55, 08/04/2017
Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại là một chế định có từ rất lâu của luật tố tụng hình sự nước ta. Đây là một chế định cho phép đối với một số tội phạm (chủ yếu thuộc khoản 1 các tội xâm phạm về nhân thân và tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ), bị hại có quyền quyết định việc có khởi tố vụ án hình sự hay không thông qua yêu cầu khởi tố. Đồng thời nếu việc khởi tố, điều tra, truy tố đã diễn ra nhưng bị hại thấy không muốn xử lý người phạm tội nữa thì pháp luật cũng cho phép họ được quyền rút yêu cầu này và lúc này vụ án phải được đình chỉ. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ bàn đến việc rút yêu cầu khởi tố trong giai đoạn nào là đúng quy định và được chấp nhận.
Khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015 quy định: “ Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án”.
Vậy có thể hiểu như thế nào về thời điểm bị hại rút yêu cầu mà dẫn đến vụ án bị đình chỉ?
Trước đây, trong BLTTHS năm 2003, khoản 2 điều 105 quy định “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì vụ án phải được đình chỉ”, nghĩa là việc rút yêu cầu khởi tố chỉ được thực hiện trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm mới dẫn đến đình chỉ vụ án, việc rút tại phiên tòa sơ thẩm hay giai đoạn xét xử phúc thẩm không thể là căn cứ để đình chỉ vụ án.
Tuy nhiên hiện nay khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015 đã bỏ cụm từ “ trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm” dẫn đến có 2 quan điểm trái chiều trong vụ án Cố ý gây thương tích thuộc khoản 1 Điều 104 BLHS, bị hại đến khi chuẩn bị xét xử phúc thẩm tha thiết xin rút yêu cầu khởi tố để đình chỉ vụ án.
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Không phải đương nhiên BLTTHS 2015 lại bỏ cụm từ “ trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm” trong quy định này, do vậy phải hiểu người đã yêu cầu khởi tố có quyền rút yêu cầu khởi tố bất cứ lúc nào, kể cả trong giai đoạn xét xử phúc thẩm thì vụ án phải được đình chỉ.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự 2015 không quy định cụ thể việc rút yêu cầu khởi tố phải “ trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm” nữa nhưng không có nghĩa người yêu cầu khởi tố rút bất cứ giai đoạn nào cũng dẫn đến đình chỉ mà chỉ rút trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm mới dẫn đến đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án.
Chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ hai, bởi lẽ:
Nghiên cứu các điều luật liên quan đến đình chỉ vụ án thấy tại các điều 230 BLTTHS về đình chỉ điều tra; Điều 248 về đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố và Điều 282 về đình chỉ vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm thì đều có căn cứ đình chỉ theo quy định tại “ khoản 2 Điều 155”. Như vậy có thể thấy nếu người yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố tại giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm thì vụ án được đình chỉ.
Còn trong giai đoạn phúc thẩm, trong BLTTHS 2015 có 2 điều luật liên quan đến đình chỉ xét xử phúc thẩm. Đó là Điều 348 đình chỉ xét xử phúc thẩm do người kháng cáo rút đơn kháng cáo và Viện kiểm sát rút kháng nghị. Trường hợp này, Tòa án đình chỉ việc xét xử phúc thẩm và bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật. Còn Điều 359 về Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án quy định căn cứ để hủy và đình chỉ như sau: “Khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án.
Khi có một trong các căn cứ quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 157 của Bộ luật này thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án”.
Có thể thấy tại 2 Điều luật này và đặc biệt là Điều 359 BLTTHS năm 2015 không có căn cứ đình chỉ vụ án nào thuộc khoản 2 Điều 155 hoặc khoản 8 Điều 157. Nếu đến giai đoạn xét xử phúc thẩm, người yêu cầu khởi tố mới rút đơn yêu cầu khởi tố thì không được chấp nhận và Tòa án vẫn xét xử nếu như không có căn cứ khác để đình chỉ xét xử phúc thẩm hoặc đình chỉ vụ án. Tòa án cấp phúc thẩm không thể căn cứ vào “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ” theo quy định tại khoản 2 Điều 155 mà đình chỉ vụ án nếu người yêu cầu rút đơn yêu cầu được.
Như vậy mặc dù khoản 2 Điều 155 BLTTHS năm 2015 có sửa đổi như đã nêu trên thì vẫn cần phải hiểu việc rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự chỉ dẫn đến đình chỉ vụ án trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử sơ thẩm. Đây là một quy định cần được thống nhất nhận thức trong quá trình áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm đảm bảo thực hiện đúng các quy định của BLTTHS năm 2015.
Vũ Tiến Sỹ
VKSND huyện Tiền Hải, Thái Bình