Vì sao khởi tố vụ án cầm bút bi chống đối dẹp lấn chiếm vỉa hè?
Ngày đăng : 09:21, 30/03/2017
Trong thời gian qua, các cấp chính quyền địa phương trên cả nước quyết tâm ra quân thực hiện chiến dịch lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, siết chặt kỉ cương, văn minh đô thị đã được nhiều người dân ủng hộ. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, cũng còn không ít trường hợp để lại những băn khoăn trong dư luận xã hội về cách tiếp cận và giải quyết vụ việc. Bất luận trong trường hợp nào, người dân cũng luôn mong muốn có cách xử lý hợp tình hợp lý để người vi phạm tâm phục, khẩu phục, tự nguyện khắc phục và không tái phạm.
Sự việc gần đây, công an khởi tố vụ án để điều tra tội Chống người thi hành công vụ khi một chủ tiệm tạp hoá đã vò biên bản vi phạm, dùng bút bi đâm cán bộ phường khi anh này đang làm nhiệm vụ xử lý lấn chiếm vỉa hè, đã đặt ra câu hỏi liệu xử lý hình sự trong trường hợp này có nghiêm khắc quá không?
Xét trên phương diện pháp lý, hành vi nói trên được xác định là chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, đã đến mức phải xử lý bằng hình sự hay chưa là vấn đề cần cân nhắc.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 của Bộ luật Hình sự năm 1999, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân…
Theo khoản 4 điều này, những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.
Để xác định đã thuộc trường hợp “đáng kể” hay chưa đối với Tội chống người thi hành công vụ cần phải căn cứ các quy định cụ thể của tội danh này.
Theo quy định tại Điều 257 về tội Chống người thi hành công vụ, người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Điều luật không quy định chi tiết dùng vũ lực đến mức nào bị coi là phạm tội Chống người thi hành công vụ cũng như “thủ đoạn khác” là những hành vi như thế nào. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử về tội này thì thủ đoạn khác thông thường là lăng mạ, bôi nhọ hoặc vu khống người thi hành công vụ.
Bên cạnh việc chống người thi hành công vụ bị xử lý hình sự thì hành vi này cũng có thể chỉ bị xử phạt hành chính. Theo khoản 3 Điều 20 Nghị định số 167/2013, hành vi “dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ” bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng.
Như vậy có thể thấy Bộ luật Hình sự cũng như Nghị định 167/2013/NĐ-CP chưa quy định rõ ranh giới phân biệt trường hợp vi phạm đến mức độ nào thì được xem là chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và bị xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp nào sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi chống người thi hành công vụ. Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Thực tiễn một vụ việc chống người thi hành công vụ được giải quyết theo hướng nào phụ thuộc rất nhiều vào đánh giá chủ quan của các cơ quan chức năng chứ chưa hẳn phụ thuộc vào tính chất, mức độ hành vi của người vi phạm. Tuy nhiên, việc giải quyết có tình, có lý luôn được xã hội hoan nghênh.
Một minh chứng điển hình là vừa qua Phó chủ tịch Quận 1 TP HCM Đoàn Ngọc Hải đã quyết định để lại cầu thang lấn chiếm vỉa hè của một nhà trên đường Trần Hưng Đạo do đây là lối đi của gia đình bà cụ 80 tuổi. Người dân nói chung cũng như bản thân người vi phạm nói riêng đều cảm thấy hài lòng, cảm nhận được tính nhân văn của chính quyền khi xử lý vi phạm.
Luật sư Vũ Tiến Vinh/VNEX