Hành vi của Nguyễn Minh T chưa đến mức xử lý hình sự

Ngày đăng : 10:47, 16/03/2017

(Kiemsat.vn) - Theo ý kiến của tác giả, hành vi chống người thi hành công vụ của Nguyễn Minh T chưa đến mức nghiêm trọng phải bị xử lý trách nhiệm hình sự (kết quả giám định đối với đồng chí P không có tỷ lệ thương tích).

Trước hết, hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tùy theo mức độ vi phạm, việc xử lý người có hành vi chống người thi hành công vụ sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc hình sự.

Đối với việc xử lý trách nhiệm hình sự, tại Điều 257 BLHS hiện hành có quy định: tội chống người thi hành công vụ có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như: có tổ chức; phạm tội nhiều lần; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; gây hậu quả nghiêm trọng; tái phạm nguy hiểm, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Qua nội dung vụ việc mà tác giả trình bày, theo chúng tôi, Tổ Cảnh sát giao thông đã thực hiện việc tuần tra, kiểm soát trên phạm vi lĩnh vực, tuyến, địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý. Khi tiến hành hoạt động tuần tra, kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông đã sử dụng đúng trang phục, phương tiện được trang bị…v.v. Do đó, việc Tổ cảnh sát giao thông đến quán PS để tìm Th là việc thực hiện biện pháp nhằm xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ. Nói cách khác, Tổ cảnh sát giao thông đã thực hiện theo nhiệm vụ, quyền hạn của mình được pháp luật quy định.

Tuy nhiên, cũng xin nói thêm rằng, những trường hợp người vi phạm giao thông với lỗi phổ biến như không đội nón bảo hiểm thì lực lượng chức năng không nên rượt đuổi (trừ một số trường hợp như: Có dấu hiệu tội phạm hoặc có thể gây hại đến những người tham gia giao thông khác), vì khi người vi phạm không chấp hành tín hiệu, thông báo dừng phương tiện, trong lúc bỏ chạy sẽ điều khiển phương tiện với tốc độ cao, điều khó sẽ gây nguy hiểm cho chính bản thân người vi phạm và những người tham gia giao thông khác; và trên thực tế đã có những vụ rượt đuổi gây thương vong nghiêm trọng. Đối với vụ việc này, chúng tôi đồng ý với quan điểm cho rằng hành vi của các đồng chí trong Tổ cảnh sát giao thông mặc dù không vi phạm pháp luật nhưng có thể đã vượt quá mức cần thiết.

Đối với hành vi của Lê Minh T có được coi là phạm tội chống người thi hành công vụ hay không. Chúng tôi cho rằng:

Thứ nhất, chúng tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng hành vi của T là không gây cản trở người thực thi công vụ, vì lúc đó đồng chí C đã liên hệ và mời được Th ra khỏi quán để làm việc và T không biết được mục đích đến quán PS của Tổ tuần tra.

Bởi lẽ, khi đồng chí C đến quán PS, đã phát hiện Th đậu xe trước cửa quán, nên đã đi đến quầy tính tiền gặp chủ quán để liên hệ công tác thì nhìn thấy Th đang ngồi nhậu, nên đồng chí C đã yêu cầu Th đi ra ngoài để giải quyết vụ việc. Như vậy, nếu khi đồng chí C yêu cầu Th đi ra ngoài để giải quyết vụ việc thì vẫn có khả năng T đã biết lực lượng chức năng đến để tìm Th xử lý vi phạm (hoặc có thể Th đã kịp kể lại vụ việc tại bàn nhậu cho những người khác nghe, trong đó có T). Sau đó, T đã có hành vi chửi thề và nói “Cảnh sát giao thông không bắt ngoài đường mà vô quán”; T còn thách thức, đá vào tay đồng chí P; đấm vào vai, lưng đồng chí K…v.v. Tuy nhiên, cũng cần xác định rõ rằng T có đủ tỉnh táo để cố tình cản trở người thi hành công vụ hay không, để đánh giá mức độ của hành vi vi phạm.

Thứ hai, hành vi chống người thi hành công vụ xảy ra rất phổ biến trên thực tế. Trong nhiều vụ việc, ranh giới xác định giữa việc phải chịu trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự của người vi phạm là rất khó để phân biệt, nó còn phụ thuộc rất lớn vào tư duy “đo lường” của người áp dụng pháp luật về mức độ nguy hiểm, hoàn cảnh, điều kiện của hành vi vi phạm. Cho nên nếu không xem xét đầy đủ các yếu tố có liên quan mà nhấn mạnh theo hướng khởi tố hình sự sẽ gây bất lợi quá mức đối với người vi phạm. Do vậy, các cơ quan chức năng và người có thẩm quyền cần phải xác định hình thức xử lý trách nhiệm như thế nào cho phù hợp.

Trên cơ sở nội dung vụ việc trong trường hợp này, theo tôi, hành vi chống người thi hành công vụ của Lê Minh T chưa đến mức nghiêm trọng phải bị xử lý trách nhiệm hình sự (đồng thời kết quả giám định đối với đồng chí P không có tỷ lệ thương tích).

Trương Thế Nguyễn

Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng