Một số yêu cầu sử dụng chứng cứ hỏi cung bị can của Kiểm sát viên
Ngày đăng : 03:33, 07/12/2017
Hỏi cung bị can là một biện pháp thu thập chứng cứ khó khăn, phức tạp. Các bị can có lứa tuổi, nhận thức, đặc điểm nhân thân, nhân cách và diễn biến tâm lý khác nhau và đa số các bị can đều có xu hướng chối tội. Để có thể đạt hiệu quả cao khi thực hiện hoạt động điều tra này, Kiểm sát viên (KSV) phải nắm vững pháp luật, có kiến thức về khoa học điều tra hình sự, có kinh nghiệm giao tiếp và chiến thuật hỏi cung phù hợp đối với từng bị can trong mỗi vụ án cụ thể.
Hình ảnh mang tính chất minh họa (nguồn internet)
Để thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự thì một trong những công việc KSV cần chú trọng thực hiện đó là tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, chủ động hơn trong việc thực hiện các hoạt động điều tra thu thập chứng cứ.
Hỏi cung bị can là biện pháp điều tra công khai, phổ biến và hiệu quả trong quá trình điều tra nhằm thu thập từ bị can những thông tin về vụ án, về hành vi phạm tội của bị can và đồng phạm khác… Đây là một biện pháp điều tra phổ biến, phức tạp mà khi tiến hành KSV sẽ gặp không ít những khó khăn, vướng mắc nếu không sử dụng những phương pháp phù hợp đối với từng bị can trong mỗi vụ án cụ thể.
Thực tiễn cho thấy, đã có nhiều vụ án hình sự khi tiến hành hỏi cung bị can KSV gặp phải những tình huống bất lợi, như: Do vụ án xảy ra đã lâu, bị can không nhớ hết các tình tiết của vụ án nên khai báo không đầy đủ; bị can từ chối khai báo; khai báo gian dối do sợ hãi, trốn tránh, mong muốn giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, muốn nhận tội thay cho người thân… Trong khi đó, một số KSV khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra còn hạn chế về kinh nghiệm nghiệp vụ nói chung, kỹ năng hỏi cung bị can nói riêng nên hoạt động hỏi cung bị can đã không thực sự đạt hiệu quả. Vì vậy, có thể nói việc lựa chọn chiến thuật hỏi cung phù hợp trong hoạt động điều tra là vấn đề quan trọng có ý nghĩa rất lớn trong việc thu thập chứng cứ giải quyết vụ án.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 và BLTTHS năm 2015 thì chủ thể hỏi cung bị can không chỉ là Điều tra viên; những người có thẩm quyền trong các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mà KSV cũng có thẩm quyền thực hiện hoạt động này. Xét cả trên phương diện lý luận và thực tiễn, hoạt động hỏi cung bị can của KSV không phải là hoạt động bắt buộc phải thực hiện trong tất cả các vụ án hình sự ngay sau khi khởi tố bị can mà hoạt động này được KSV trực tiếp tiến hành trong giai đoạn điều tra, truy tố khi “bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết” (khoản 4 Điều 183 BLTTHS năm 2015). Tuy nhiên, trong mọi trường hợp khi thực hiện biện pháp điều tra này, KSV đều phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật tố tụng hình sự và các yêu cầu nghiệp vụ trong hoạt động điều tra.
Sử dụng chứng cứ hỏi cung bị can của KSV là việc KSV đưa ra một số thông tin (chứng cứ) do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã thu thập được nhằm tác động vào tâm lý của bị can, đấu tranh với những bị can có thái độ từ chối khai báo; khai báo gian dối; bị can không thực hiện hành vi phạm tội nhưng vẫn nhận tội thay cho người khác, khiến bị can nhận thức được rằng dù bị can có thành khẩn khai báo hay không thì các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã thu thập được nhiều chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị can, các tình tiết của vụ án…
Sử dụng chứng cứ hỏi cung bị can là một chiến thuật điều tra được áp dụng khá hiệu quả trên thực tiễn, đòi hỏi KSV tiến hành phải có sự chuẩn bị kỹ càng về chiến thuật áp dụng với các thao tác nghiệp vụ nhuần nhuyễn. Thông qua việc sử dụng chứng cứ hỏi cung bị can, KSV sẽ vạch trần những lời khai gian dối, không đầy đủ, lời khai nhận tội thay cho người khác của bị can… từ đó khiến bị can sẽ thay đổi thái độ khai báo theo hướng tích cực, thành khẩn, trung thực hơn trong quá trình khai báo… Việc sử dụng chứng cứ hỏi cung bị can còn giúp cho KSV đấu tranh khai thác buộc bị can phải khai báo đầy đủ về hành vi phạm tội của bị can và các đối tượng liên quan đã thực hiện trước đây chưa bị phát hiện giúp cho sự thật khách quan của vụ án được sáng tỏ, các quyết định tố tụng được ban hành kịp thời, chính xác và giúp cho công tác phòng ngừa tội phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng cũng như các cơ quan hữu quan khác đạt hiệu quả hơn.
Khi sử dụng chứng cứ hỏi cung bị can, KSV cần chú ý một số vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, KSV cần nắm chắc diễn biến tâm lý của bị can, xác định rõ nguyên nhân nào dẫn đến việc bị can từ chối khai báo, khai báo gian dối, nhận tội thay cho người khác…? Dự kiến thời điểm áp dụng chiến thuật sử dụng chứng cứ hỏi cung bị can để triển khai thực hiện? Những khó khăn, vướng mắc khi đưa những chứng cứ đã thu thập được để đấu tranh khai thác thu thập thông tin từ phía bị can; những câu hỏi đặt ra và những câu bị can có thể trả lời để xây dựng dự thảo bản kế hoạch sử dụng chứng cứ hỏi cung bị can. Dự kiến những chứng cứ có giá trị chứng minh phù hợp để đưa ra sử dụng hỏi cung cho thật sự hiệu quả.
Thứ hai, chứng cứ được KSV sử dụng hỏi cung bị can phải được kiểm tra, đánh giá đảm bảo mang đầy đủ các thuộc tính của chứng cứ. Các chứng cứ này phải khách quan, có liên quan tới vụ án, phù hợp với các nguồn chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và được các chủ thể có thẩm quyền thu thập theo đúng trình tự quy định của BLTTHS, đây chính là nguyên tắc tôn trọng sự thật khách quan khi sử dụng chứng cứ. Việc KSV sử dụng những chứng cứ chưa được kiểm tra, đánh giá đầy đủ đấu tranh với bị can sẽ khiến bị can phát hiện được nhiều sơ hở của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập chứng cứ, vô tình tạo cho bị can có cơ hội chống đối, che giấu hành vi phạm tội của mình và đồng phạm, che giấu các tình tiết có liên quan đến vụ án, dẫn tới việc bị can giữ nguyên thái độ chống đối, khai báo theo ý chí chủ quan của mình.
Thứ ba, KSV phải chủ động trong việc đưa ra các chứng cứ đã thu thập được trước đó để đấu tranh đối với bị can. Việc sử dụng chứng cứ hỏi cung bị can phải đảm bảo yếu tố ‘‘đủ’’ và “kín”. Khi sử dụng chứng cứ hỏi cung bị can, KSV không được lạm dụng, sử dụng chứng cứ tràn lan. Chứng cứ được đưa ra sử dụng phải là những chứng cứ có giá trị chứng minh các tình tiết KSV đang cần làm sáng tỏ. Việc sử dụng quá nhiều chứng cứ hỏi cung bị can sẽ vô tình làm lộ tiến độ giải quyết án, lộ ra thông tin những người đã cung cấp nguồn chứng cứ cho các cơ quan tiến hành tố tụng gây khó khăn trong việc thu thập chứng cứ ở giai đoạn điều tra tiếp theo của vụ án.
Mặt khác, yếu tố bất ngờ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi thái độ khai báo của bị can. Trong quá trình hỏi cung bị can, KSV không được để bị can phát hiện việc đưa ra những thông tin về bị can, về tình tiết nào đó của vụ án đã được thu thập là nhằm đấu tranh với bị can buộc bị can phải khai báo thành khẩn… Thông qua giao tiếp, việc sử dụng chứng cứ hỏi cung bị can xen lẫn các câu hỏi đối với bị can là đòn tâm lý tác động mạnh mẽ vào thái độ khai báo của bị can.
Thứ tư, song song với việc sử dụng chứng cứ hỏi cung bị can, KSV cần kết hợp các chiến thuật, thủ thuật hỏi cung khác đối với bị can để cuộc hỏi cung đạt hiệu quả cao. Để bị can khai báo đầy đủ, khách quan, toàn diện thì sự kết hợp nhuần nhuyễn thao tác nghiệp vụ thông qua cách đặt câu hỏi của KSV đối với bị can là yếu tố vô cùng quan trọng. Việc sử dụng chứng cứ hỏi cung bị can với những câu hỏi phù hợp và kỹ năng tác động tâm lý thuần thục sẽ khiến cho bị can bị tác động theo thế bị động, không kịp chống đối, đề phòng, để lộ ra sự mâu thuẫn trong lời khai hoặc thay đổi tâm lý khai báo.
Thạc sĩ Lương Hải Yến
Trường Đại học kiểm sát Hà Nội.
Tạp chí Kiểm sát số 14/2017
Bài có liên quan>>>
Kỹ năng kiểm sát hoạt động hỏi cung bị can
Ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can – những vấn đề đặt ra trong thực tiễn