Mất nhiều thời gian đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

Ngày đăng : 09:27, 07/12/2017

(Kiemsat.vn) - Trong các biện pháp hành chính được xem xét, quyết định áp dụng tại TAND thì chiếm đa số là biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nhưng việc lập hồ sơ đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc rườm rà, nhiều thủ tục.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20/01/2014 (“Pháp lệnh 09”) kể từ khi có hiệu lực đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh công tác quản lý nhà nước về tình hình an ninh trật tự của địa phương, của quần chúng nhân dân cũng như gia đình của các đối tượng cần áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, đặc biệt là các đối tượng nghiện ma túy.

Trong các biện pháp hành chính được xem xét, quyết định áp dụng tại Tòa án nhân dân thì chiếm đa số là biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đây là công cụ hữu hiệu để giảm thiểu tối đa các đối tượng nghiện ngập, lang thang, giúp cho gia đình các đối tượng nghiện ma túy bớt gánh nặng, xã hội được trong sạch, lành mạnh.

Bên cạnh những mặt đã đạt được, Pháp lệnh 09 vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc, gây khó khăn cho công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với việc áp dụng các biện pháp xử lý tại Tòa án nhân dân, cụ thể:

– Tại Điều 4 khoản 3 Pháp lệnh quy định: “Sau khi nhận được thông báo thụ lý hồ sơ của Tòa án cùng cấp, Viện kiểm sát có quyền nghiên cứu hồ sơ vụ việc tại Tòa án đã thụ lý vụ việc đó”, bên cạnh đó Điều 7 Nghị quyết 04 của hội đồng thẩm phán quy định: “Sau khi những người tham gia phiên họp kết thúc tranh luận, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính và ý kiến của Viện kiểm sát về việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính”. Quy định như trên được hiểu là Viện kiểm sát vừa có trách nhiện kiểm sát quá trình lập hồ sơ, kiểm sát việc mở phiên họp, phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong việc xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, đồng thời phát biểu quan điểm về đường lối giải quyết việc hành chính. Để thực hiện được chức năng kiểm sát lập hồ sơ cũng như phát biểu ý kiến cả về tố tụng và nội dung theo quy định của pháp luật, Kiểm sát viên cần phải có thời gian nghiên cứu hồ sơ cũng như đề xuất quan điểm báo cáo lãnh đạo trước khi tham gia phiên họp. Ngoài ra, khi không có thời gian để nghiên cứu trước đó, dẫn đến việc Viện kiểm sát không thực hiện được chức năng kiểm sát việc xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính kể từ khi bắt đầu lập hồ sơ của các cơ quan chức năng đối với đối tượng mà chỉ kiểm sát hồ sơ tại Tòa án theo quy định. Do vậy đây là quy định chưa phù hợp với thực tế.

– Ngoài ra, về mặt thực tiễn, việc áp dụng Pháp lệnh 09 cũng có vướng mắc trong một số vấn đề như về xác định nơi cư trú, trên thực tế các đối tượng nghiện đa số không cư trú ổn định tại một địa điểm trong một thời gian nhất định mà thường di chuyển liên tục từ địa phương này đến địa phương khác dẫn đến việc xác minh nơi cư trú ổn định của đối tượng nghiện ma túy thường chậm có kết quả, làm mất thời gian trong quá trình hoàn thiện hồ sơ xét duyệt đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Còn đối với những người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định, điều kiện bắt buộc để áp dụng biện pháp đi cai nghiện bắt buộc là đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường nhưng vẫn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy. Điều 3 khoản 1 Nghị định 221 quy định về đối tượng bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc: “Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định, đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy mà vẫn còn nghiện”. Tuy nhiên trên thực tế có rất nhiều đối tượng nghiện nhưng lại chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã phường bởi việc thực hiện giáo dục trước rất khó khăn.

– Quy định về việc lập hồ sơ đưa người vào cơ sở cai nghiện bắt buộc rườm rà, nhiều thủ tục và phải thông qua nhiều cơ quan nhà nước như Công an xã phường, UBND xã phường, Phòng tư pháp, Phòng Lao động thương binh và xã hội và TAND nên mất rất nhiều thời gian. Làm đúng các trình tự trên thì để đưa được đối tượng nghiện đi cai nghiện phải mất thời gian ít nhất là 01 tháng. Trong thời gian chờ đợi hoàn tất các thủ tục của các cơ quan nêu trên, các đối tượng nghiện nếu có nơi cư trú ổn định tại địa phương sẽ được đưa về gia đình quản lý, nếu không có nơi cư trú ổn định sẽ phải đưa đến các trung tâm xã hội để quản lý, sẽ dẫn đến việc tại gia đình và các trung tâm xã hội không có điều kiện vật chất cũng như chuyên môn để quản lý các đối tượng nghiện.

Như vậy, để thực hiện tốt công tác kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp hành xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về việc xem xét áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân. Các biện pháp xử lý hành chính đã góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm pháp luật hành chính, bảo đảm trật tự quản lý nhà nước và trật tự xã hội, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, giữ vững ổn định trật tự, an toàn xã hội. Pháp lệnh 09 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; bảo đảm việc xem xét, quyết định của Tòa án được thực hiện theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, dân chủ, công bằng, minh bạch, bảo đảm khách quan, chính xác; bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, quyền con người. Do đó, cần hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật, đặc biệt là hoàn thiện quy trình lập hồ sơ tại cơ quan hành chính, sao cho nhanh gọn, tránh rườm rà về thủ tục và thời gian.

Thứ hai, cần hoàn thiện hệ thống biểu mẫu, sổ sách, báo cáo sử dụng trong công tác kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án, hướng dẫn cách lập hồ sơ thống nhất để Viện kiểm sát cấp huyện thực hiện được thống nhất.

Thứ ba, Viện kiểm sát với chức năng kiểm sát việc lập hồ sơ và phiên họp tại Tòa án do đó cần tăng cường mối quan hệ giữa Viện kiểm sát, Tòa án, các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính để công tác phối hợp trong quá trình giải quyết việc hành chính được hiệu quả.

Chu Văn Quang Trần Quang Hu â n Nguyễn Trọng Huy

VKSND quận Thanh Xu â n

Thêm đối tượng áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc

Kiểm sát việc đưa người đi cai nghiện bắt buộc – những vấn đề cần lưu ý

Một số ý kiến về quyết định áp dụng các biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc