VKSND huyện Đông Hòa kiến nghị phòng ngừa tội cố ý gây thương tích
Ngày đăng : 08:49, 31/10/2017
Qua công tác THQCT, KSĐT, KSXX các vụ án hình sự trong năm 2017, VKSND huyện Đông Hòa, nhận thấy: Tình hình vi phạm, tội phạm hình sự trên địa bàn huyện Đông Hòa, Phú Yên có chiều hướng gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ nguy hiểm, như: cố ý gây thương tích, cố ý làm hư hỏng tài sản, trộm cắp tài sản…
Các bị cáo khi phạm tội đa phần là thanh thiếu niên
– Khoảng 22 giờ ngày 01/5/2017 tại khu vực Quảng trường thuộc khu phố 2, thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong lúc hát nhạc bằng loa “kẹo kéo” Huỳnh Sông Hậu (sinh năm 1995) trú thôn Bàn Thạch, xã Hòa Xuân Đông, Nguyễn Tiến Nam (sinh năm 1992) trú thôn Bàn Nham Bắc, xã Hòa Xuân Tây đã có hành vi dùng dao, kéo là hung khí nguy hiểm đánh trúng người Lê Ngọc Tú gây thương tích 23%, Lưu Tấn Đương 23%, Nguyễn Minh Dương 5%, Lưu Tấn Vinh 4%, các bị hại đồng trú khu phố 1, thị trấn Hòa Vinh.
– Khoảng 20 giờ ngày 05/7/2017, tại khu vực Quảng trường thuộc khu phố 2, thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, do có mâu thuẫn từ trước nên Hà Hải Long (sinh năm 1992), Phạm Đình Khi (sinh năm 1987) đồng trú khu phố Phú Hiệp 3, thị trấn Hòa Hiệp Trung, Huỳnh Tấn Sĩ (sinh năm 1994) trú khu phố Phú Hiệp 1, thị trấn Hòa Hiệp Trung, dùng mã tấu, ghế nhựa là hung khí nguy hiểm đánh trúng vai, đầu, chân trái của Đỗ Anh Tú (sinh năm 1994) trú khu phố Phú Thọ 3, thị trấn Hòa Hiệp Trung gây thương tích 23%.
VKSND huyện Đông Hòa đã phối hợp với TAND huyện cùng cấp đưa ra xét xử 16 vụ 37 bị cáo phạm tội Cố ý gây thương tích. Trong đó đáng chú ý là độ tuổi các bị cáo đang dần có sự trẻ hóa, cụ thể là dưới 18 tuổi: 3 bị cáo (chiếm 8,11 %), … từ 18 đến 30 tuổi: 20 bị cáo (chiếm 54,05 %). Về trình độ học vấn, phần lớn các bị cáo chỉ mới học hết cấp trung học cơ sở. (chiếm 29,73 %), trung học cơ sở: 16 bị cáo (chiếm 43,25 %), trung học phổ thông: 9 bị cáo (chiếm 24,32 %). Về nghề nghiệp thì đa số các bị cáo thường không có nghề nghiệp, cụ thể là: không nghề nghiệp: 14 bị cáo (chiếm 37,84 %), lao động giản đơn trong nông nghiệp, ngư nghiệp: 11 bị cáo (chiếm 29,73%), nghề nghiệp khác: 12 bị cáo (chiếm 32,43%).
Qua thực tiễn công tác khi giải quyết các vụ án cố ý gây thương tích, VKSND huyện Đông Hòa nhận thấy một số nguyên nhân thường dẫn đến hành vi phạm tội đó là: Tồn tại một số băng nhóm tội phạm, bảo kê, dùng bạo lực khi giải quyết mâu thuẫn trong xã hội; tác động của một số chất kích thích, như: rượu, bia, ma túy làm con người nóng nảy, thiếu kiềm chế, ứng xử không đúng chuẩn mực khi xảy ra mâu thuẫn; do quan điểm, nhận thức xã hội và cách sống hiện nay của một số người khi có những va chạm rất nhỏ, lẽ ra có thể bỏ qua nhưng lại thổi bùng lên thành một cuộc xung đột, dẫn đến đánh nhau; tác động bởi phim ảnh có tính chất bạo lực, game online… đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên, thích thể hiện, học theo các phim ảnh bạo lực; sự thiếu quan tâm, nuôi dạy con cái của một số gia đình dẫn đến các em lưu lỏng, tụ tập với những thành phần xấu dẫn đến việc vi phạm, phạm tội; đa phần những người phạm tội cố ý gây thương tích đều có trình độ văn hóa thấp, không có nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định, đặc biệt là thanh thiếu niên sớm bỏ học tiếp xúc với xã hội sớm, nên khi xảy ra những mâu thuẫn nhỏ nhặt đã dùng “bạo lực” để giải quyết vấn đề; cha mẹ đã ly hôn hoặc bạo lực trong gia đình cũng làm ảnh hưởng tới tư tưởng của các em dẫn đến khi giải quyết mâu thuẫn các em đã không bình tĩnh giải quyết mà chọn cách “đánh nhau”.
Từ những thực trạng và nguyên nhân như đã nêu trên, để hạn chế các vụ cố ý gây thương tích trên địa bàn huyện Đông Hòa trong thời gian đến, VKSND huyện Đông Hòa kiến nghị đồng chí Chủ tịch UBND huyện cần có các giải pháp thực hiện nhằm ổn định tình hình trật tự xã hội trên địa bàn huyện cụ thể sau đây:
Một là, tăng cường chỉ đạo các cơ quan liên quan, đặc biệt là lực lượng Công an huyện Đông Hòa và Công an các xã, thị trấn thường xuyên ra quân trấn áp tội phạm, đặc biệt là các băng nhóm tội phạm.
Hai là, chỉ đạo Công an huyện Đông Hòa thường xuyên báo cáo về tình hình trật tự xã hội, đặc biệt là tội cố ý gây thương tích trên từng địa bàn, khu vực, để kịp thời nắm bắt chỉ đạo.
Ba là, chỉ đạo các cơ quan liên quan như: Huyện đoàn, các trường học trên địa bàn tăng cường phối hợp với gia đình, quan tâm, giám sát những thanh, thiếu niên có biểu hiện vi phạm pháp luật.
Bốn là, mở các lớp hướng nghiệp, dạy nghề, tạo điều kiện cho những thanh thiếu niên có việc làm ổn định.
Năm là, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt là hành vi đánh người khác gây thương tích, tuyên truyền, phổ biến cách ứng văn hóa, cách giải quyết khi có mâu thuẫn đến rộng rãi quần chúng nhân dân, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên.
Sáu là, nâng cao hiểu biết của những những bậc làm cha, làm mẹ trong quá trình nuôi dạy con cái, cách ứng xử có văn hóa trong gia đình, tránh bạo lực trong gia đình làm ảnh hưởng đến con cái khi giao tiếp, giải quyết mâu thuẫn trong xã hội.
Dương Đức
VKSND huyện Đông Hòa, Phú Yên
Bài viết có liên quan >>>
VKSND huyện Phú Xuyên kiến nghị phòng ngừa tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe
VKSND thị xã Chí Linh kiến nghị phòng ngừa phụ nữ phạm tội trên địa bàn
VKSND Tp. Vĩnh Yên kiến nghị phòng ngừa bạo lực gia đình