Kinh nghiệm kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm
Ngày đăng : 11:27, 19/10/2017
Ảnh minh họa (nguồn: VKSND huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang)
Kết quả sau gần 4 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 06 ngày 02/8/2013 Bộ công an, Bộ quốc phòng, Bộ tài chính, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, VKSND tối cao về “Hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố”; Chỉ thị số 20-CT/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ cho thấy: Số tố giác, tin báo bị bỏ lọt không xử lý hoặc xử lý sai được giảm hẳn theo từng năm. Công an xã, phường, thị trấn đã mở sổ sách theo dõi, quản lý tố giác, tin báo tội phạm đồng thời phân loại cơ bản chính xác giữa vụ việc có dấu hiệu hình sự, hành chính, dân sự; qua đó chuyển kịp thời các tố giác, tin báo về tội phạm đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền; tích cực trong việc bảo vệ hiện trường, thực nghiệm điều tra, quản lý đối tượng.
Đối với các Cơ quan điều tra đã mở đầy đủ hệ thống sổ theo dõi và thực hiện tốt 07 biểu mẫu được ban hành kèm theo Thông tư 06. Viện kiểm sát hai cấp đã khẳng định được vai trò trọng tâm trong công tác phối hợp, quản lý và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, phối hợp với Cơ quan điều tra để lập hồ sơ kiểm sát theo từng vụ, việc. Cơ bản chấp hành nghiêm về trình tự, thủ tục và thời hạn, chế độ thông tin báo cáo; đồng thời Viện kiểm sát hai cấp đã tăng cường đề ra các yêu cầu điều tra, xác minh để có căn cứ thống nhất việc khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.
Hàng năm, VKSND hai cấp đều tiến hành trực tiếp kiểm sát tại các Cơ quan điều tra về công tác này và có kết luận, kiến nghị; đồng thời, vào tháng 1 hàng năm, VKSND tỉnh có báo cáo tổng hợp về kết quả thực hiện Chỉ thị 20-CT/TU và Thông tư liên tịch số 06 để các cấp các ngành trong tỉnh nắm được. Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm bình quân trong 03 năm qua đạt 93%, cao hơn chỉ tiêu theo Nghị quyết 37 của Quốc hội là 3%. Qua đó tạo ra sự chuyển biến thực sự về nhận thức cũng như nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác xử lý, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trên địa bàn toàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thông qua công tác khảo sát và kiểm sát hàng năm còn cho thấy thực tiễn thực hiện Thông tư liên tịch số 06 còn bộc lộ một số tồn tại như: tình trạng để tố giác, tin báo kéo dài quá thời hạn giải quyết vẫn còn xảy ra; việc tiếp nhận, thụ lý giải quyết có lúc còn chưa kịp thời; chậm phân công hoặc không phân công Điều tra viên giải quyết; việc phân loại tố giác, tin báo tội phạm còn chưa chính xác; trình tự thủ tục giao, nhận trong việc chuyển tố giác, tin báo về tội phạm chưa bảo đảm nên toàn tỉnh còn xảy ra sự chênh lệch giữa số tố giác và tin báo do cấp xã tiếp nhận và số tố giác tin báo do các Cơ quan điều tra nhận được. Hồ sơ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm còn thiếu thủ tục như không thông báo kết quả giải quyết hoặc bỏ qua các hoạt động tố tụng cần thiết từ đó phải gia hạn hoặc kéo dài…
Kinh nghiệm trong quản lý và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm ở tỉnh Phú Thọ
Một là, tiếp tục thực hiện sâu rộng tạo nên sự đồng thuận thống nhất cao của các cấp, các ngành trong việc nhận thức và thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Phú Thọ về tăng cường công tác lãnh đạo chỉ đạo việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tôi phạm nhất là ở cấp cơ sở, cần tạo ra cơ chế phối hợp theo đó, hàng tháng Công an cấp xã, phường, thị trấn phải chuyển danh sách thống kê từng tố giác, tin báo về tội phạm cho cơ quan điều tra hoặc VKSND cấp huyện để theo dõi đối chiếu với sổ thụ lý giải quyết của Cơ quan điều tra để từ đó quản lý nắm chắc tình hình tội phạm và tỷ lệ khám phá án theo các kỳ báo cáo.
Hai là, luôn quan tâm hoạt động kiểm sát việc tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; phân công cán bộ, Kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm trong kiểm sát việc giải quyết của Cơ quan điều tra theo từng vụ, việc. Đối với các tố giác, tin báo có khó khăn, phức tạp thì lãnh đạo từng đơn vị phải trực tiếp đọc hồ sơ để trao đổi, chỉ đạo Kiểm sát viên đưa ra các yêu cầu điều tra thu thập chứng cứ, tài liệu và hoàn chỉnh các thủ tục tố tụng để bảo đảm thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Ba là, Viện kiểm sát tỉnh chủ động phối hợp với văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra công an tỉnh để thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm ở các Cơ quan điều tra cấp huyện và Công an các xã, phường, thị trấn. Qua đó, vừa chỉ đạo hướng dẫn trực tiếp, vừa nắm được cụ thể tình hình để có biện pháp chỉ đạo chung trong toàn tỉnh.
Bốn là, luôn quan tâm phối hợp trao đổi thông tin định kỳ đã được quy định trong Thông tư liên tịch số 06 để Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát các cấp nắm chắc tình hình và kết quả xử lý, giải quyết từng tố giác, tin báo về tội phạm. Bảo đảm không để tố giác, tội phạm ngoài sổ sách không được theo dõi, quản lý.
Năm là, tổ chức tập huấn chuyên sâu từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, nhất là việc tập huấn cho cán bộ trực tiếp làm công tác tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nắm vững các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về thủ tục tiếp nhận, thời hạn, thủ tục giải quyết, tạm đình chỉ, phục hồi việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm để các cấp, các ngành chủ động thực hiện ngay sau khi Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật hình sự, Luật tổ chức điều tra hình sự có hiệu lực.
Ths.Nguyễn Đăng Khoa
Phó viện trưởng VKSND tỉnh Phú Thọ
Xem thêm>>>