Kinh nghiệm từ thực tiễn giải quyết các vụ án tham nhũng ở cấp phúc thẩm

Ngày đăng : 07:35, 06/07/2017

(Kiemsat.vn) – Qua thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm các vụ án về tham nhũng, đặc biệt là những vụ án tham nhũng lớn, Tiến sĩ Lê Thành Dương, nguyên là Viện trưởng Viện Phúc thẩm 3 đã có bài viết đúc rút những kinh nghiệm thực tiễn từ thực tiễn giải quyết các vụ án tham những.
tham nhũng
Ảnh có tính minh họa (nguồn internet)

Một là, trước hết Kiểm sát viên được phân công thụ lý cần phải nghiên cứu một cách đầy đủ, chi tiết toàn bộ vụ án, bóc tách triệt để các hành vi, thông qua các tài liệu, hợp đồng, chứng từ để xác định thấu đáo các vi phạm pháp luật; đồng thời, nghiên cứu các quy định của pháp luật điều chỉnh các quan hệ pháp lý một cách đầy đủ và chính xác; từ đó, đánh giá toàn bộ quá trình truy tố xét xử của cấp sơ thẩm để giải quyết vụ án một cách triệt để.

Hai là, Kiểm sát viên phụ trách vu án sau khi xác định rõ vụ án phải có quan điểm vững vàng và bản lĩnh: Bản lĩnh trong việc bảo vệ các vấn đề mà mình nghiên cứu thấy cấp sơ thẩm truy tố xét xử thiếu sót cần cải sửa cho đúng pháp luật; bản lĩnh trong việc chịu trách nhiệm trước pháp luật về qui định của mình; trong việc thuyết phục các cơ quan tiến hành tố tụng đồng thuận; bản lĩnh trong việc báo cáo chính xác đầy đủ đối với Lãnh đạo ngành, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước (nếu được yêu cầu); bản lĩnh trước sức ép của dư luận;…

Ba là, tranh thủ sự đồng thuận tối đa của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với quan điểm của mình và báo cáo đầy đủ quan điểm của mình đối với lãnh đạo để được sự chỉ đạo đầy đủ của Viện kiểm sát cấp trên.

Bốn là, quán triệt và thực hiện đầy đủ trách nhiệm về ý kiến chỉ đạo, lãnh đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương, của Ban Nội chính Trung ương…

Từ thực tiễn giải quyết các vụ án về tham nhũng, chúng tôi có một số kiến nghị sau đây

Thứ nhất, để tăng cường công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp góp phần đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp đối với vụ án về tham nhũng cần bảo đảm các điều kiện sau:

– Tăng cường đủ biên chế cho hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp hình sự. Đây là nhiệm vụ quan trọng thực hành chức năng của Viện kiểm sát; đồng thời là nhiệm vụ rất phức tạp, đòi hỏi phải có những cán bộ và Kiểm sát viên giỏi và bản lĩnh. Muốn giải quyết những vấn đề nêu trên đòi hỏi phải tiến hành lâu dài và nhiều biện pháp. Song trước mắt, những năm sắp tới cần tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo.

– Phải có hệ thống pháp luật hoàn thiện và đồng bộ, hạn chế những quy định chồng chéo, mâu thuẫn; kịp thời có văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật tạo điều kiện cho Kiểm sát viên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

– Phải có cơ chế bảo đảm tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của từng cơ quan tố tụng; trách nhiệm pháp lý và tự chịu trách nhiệm cụ thể của cán bộ, Kiểm sát viên; cùng với đó là đảm bảo điều kiện phương tiện, kỹ thuật tác nghiệp, vì công tác thu thập chứng cứ, nghiên cứu lưu trữ tài liệu, chứng cứ loại án thuộc lĩnh vực kinh tế, tham nhũng rất phức tạp, cần có kỹ thuật cao và phương tiện hiện đại. Mặt khác, cán bộ, Kiểm sát viên hoạt động đấu tranh giải quyết án tham nhũng chịu áp lực rất lớn từ nhiều phía nên cần phải có cơ chế bảo vệ (về uy tín, danh dự; tính độc lập theo pháp luật; thậm chí cả tính mạng trong đấu tranh giải quyết án,…)

– Lãnh đạo các cấp cần quan tâm động viên kịp thời về tinh thần, tư tưởng; mặt khác, cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng và tạo điều kiện phương tiện làm việc cần thiết như: Chỗ làm việc, phương tiện đi lại,… nhằm tạo thuận lợi nhất cho cán bộ, Kiểm sát viên hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ hai, một số kiến nghị chung về phòng chống tham nhũng

– Muốn phòng chống tham nhũng thật sự có hiệu quả đòi hỏi phải có cơ chế quản lý chặt chẽ, rõ ràng và có cơ chế giám sát đầy đủ hơn đối với những cơ quan, những cấp và những người đang nắm giữ tài sản nhà nước; quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước. Những cơ quan này mới có khả năng thông qua quản lý trực tiếp phát hiện, ngăn ngừa, xử lý kịp thời những tiêu cực, thất thoát và có khả năng thu hồi tài sản thất thoát kịp thời và hiệu quả. Các cơ quan tiến hành tố tụng khi phát hiện xử lý thì sản đã thất thoát và khả năng thu hồi rất hạn chế.

– Cần chấn chỉnh để bảo đảm hiệu quả, hiệu lực thật sự của hệ thống kiểm tra, kiểm soát trong Ngân hàng nhà nước và ngân hàng có vốn nhà nước. Vì thực tế, qua các vụ án tham nhũng cho thấy, hệ thống kiểm tra, kiểm soát chưa phát hiện và xử lý kịp thời để tài sản nhà nước thất thoát rất nghiêm trọng trong một thời gian dài.

– Cần nghiên cứu việc phân cấp thẩm quyền trong hệ thống quản lý ngân hàng nhà nước.

(Trích bài viết “Một số kinh nghiệm từ thực tiễn giải quyết các vụ án tham nhũng ở cấp phúc thẩm” của Tiến sĩ Lê Thành Dương, nguyên Viện trưởng Viện thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm tại thành phố Hồ Chí Minh (Viện Phúc thẩm 3). TCKS số 4/2015)