Kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của Tòa án

Ngày đăng : 04:14, 09/06/2017

(Kiemsat.vn) – So với BLTTDS 2004, thời hạn Viện kiểm sát kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu được quy định dài hơn, là trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện (Điều 170 BLTTDS 2004 quy định là 03 ngày làm việc).

Ảnh minh họa (nguồn internet)

Đối với việc trả lại đơn khởi kiện

Khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015 bổ sung, quy định rõ một số trường hợp trả đơn khởi kiện:

– Người khởi kiện không có quyền khởi kiện (tức là người khởi kiện không phải để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và không thuộc những cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 187 BLTTDS 2015).

– Chưa có đủ điều kiện khởi kiện (tức là người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện khởi kiện mà pháp luật quy định).

– Người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán. Cụ thể, trong trường hợp người khởi kiện không ghi đầy đủ, cụ thể những nội dung của đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 189 BLTTDS 2015 hoặc ghi không đúng tên, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà không sửa chữa, bổ sung theo yêu cầu của Thẩm phán thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện.

Đặc biệt BLTTDS 2015 đã bổ sung trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì Thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

Khoản 2 Điều 192 BLTTDS 2015 quy định: “Khi trả lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho người khởi kiện, Thẩm phán phải có văn bản nêu rõ lý do trả lại đơn khởi kiện, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp”. Đồng thời, BLTTDS 2015 bổ sung nội dung “Đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ mà Thẩm phán trả lại cho người khởi kiện phải được sao chụp và lưu tại Tòa án để làm cơ sở giải quyết khiếu nại, kiến nghị khi có yêu cầu”.

Đối với việc trả lại đơn yêu cầu

Các trường hợp Tòa án trả lại đơn yêu cầu được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 364 BLTTDS 2015(4).

Khi kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của Tòa án, nếu phát hiện thấy vi phạm thì theo quy định tại Điều 194 BLTTDS 2015, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu. So với BLTTDS 2004, thời hạn Viện kiểm sát kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu được quy định dài hơn (Điều 170 BLTTDS 2004 quy định là 03 ngày làm việc).

Ngay sau khi nhận được khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phải phân công Thẩm phán khác xem xét, giải quyết kiến nghị. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán được phân công phải mở phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị và ra quyết định trả lời khiếu nại, kiến nghị. Phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có khiếu nại; trường hợp đương sự vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp. Tuy nhiên, BLTTDS 2015 không quy định Kiểm sát viên vắng mặt thì xử lý như thế nào?

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định trả lời khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của Thẩm phán, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị lần hai với Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp xem xét, giải quyết. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp phải ra quyết định giải quyết.

Khi có căn cứ xác định quyết định giải quyết của Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp có vi phạm pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao nếu quyết định bị khiếu nại, kiến nghị là của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nếu quyết định bị khiếu nại, kiến nghị là của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị của Viện kiểm sát thì Chánh án phải giải quyết. Quyết định của Chánh án là quyết định cuối cùng.

Trường hợp Toà án không gửi, chậm gửi thông báo thụ lý hoặc văn bản trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu cho Viện kiểm sát hoặc nội dung, hình thức thông báo không đúng quy định của pháp luật thì Viện kiểm sát có quyền yêu cầu hoặc kiến nghị với Tòa án khắc phục vi phạm.

Với những quy định như trên, để bảo đảm kiểm sát chặt chẽ việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát cần phải phân công Kiểm sát viên tham gia đầy đủ các phiên họp để bảo đảm kiểm sát chặt chẽ; báo cáo Viện kiểm sát cấp trên trong trường hợp kiến nghị Chánh án Tòa án trên một cấp giải quyết. Trước khi tham gia phiên họp giải quyết khiếu nại, kiến nghị, Kiểm sát viên cần chuẩn bị ý kiến phát biểu, nội dung phát biểu tại phiên họp.

Bên cạnh việc kiểm sát đối với việc thông báo thụ lý và trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của Tòa án đối với từng vụ, việc dân sự, Viện kiểm sát hàng tháng cũng cần phối hợp với Tòa án trong việc đối chiếu số liệu, sổ sách để phát hiện được các thông báo thụ lý, trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu mà Tòa án không gửi cho Viện kiểm sát. Đồng thời qua đó cũng nắm được số lượng các vụ, việc Tòa án đã thụ lý, giải quyết trong tháng, phải đảm bảo việc giải quyết đúng hạn luật định và những vụ, việc đã giải quyết phải gửi bản án, quyết định đầy đủ, kịp thời cho Viện kiểm sát.

(Trích bài “Công tác kiểm sát việc thông báo thụ lý vụ, việc dân sự, trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của Tòa án” của Tiến sĩ Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng; Ths. Nguyễn Quốc Huy Vụ 14 VKSND tối cao. TCKS số 20/2016).

Bài có liên quan>>>

Kiểm sát việc thông báo thụ lý vụ, việc dân sự