Một số kinh nghiệm trong kháng nghị phúc thẩm các vụ án dân sự
Ngày đăng : 04:28, 23/05/2017
Qua thực tế công tác kiểm sát bản án, quyết định giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình cho thấy, nội dung kiến nghị gồm những dạng vi phạm sau: Vi phạm thời hạn gửi bản án, quyết định; vi phạm thời hạn giải quyết án; sai số văn bản, sai tên đương sự, ký hiệu văn bản; án tạm đình chỉ còn tồn chưa giải quyết, đặc biệt là những vụ tạm đình chỉ với lý do chờ kết quả đo đạc, chờ cơ quan hữu quan cung cấp chứng cứ; áp dụng căn cứ pháp luật không đúng; vi phạm về thời hạn ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; vi phạm về việc trả lại đơn kháng cáo của đương sự…
Nội dung kháng nghị gồm các dạng vi phạm: Không đưa đầy đủ người có quyền và nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng; thu thập chứng cứ không đầy đủ; áp dụng căn cứ pháp luật không đúng; mâu thuẫn, không thống nhất giữa phần mở đầu, phần nội dung của bản án và phần nhận định, quyết định của Tòa án; xác định chứng cứ không đúng quy định; xác định đối tượng tranh chấp chưa đầy đủ, dẫn đến thẩm tra thu thập chứng cứ và giải quyết vụ án không toàn diện về các đối tượng tranh chấp; tính lãi suất, án phí không đúng quy định của pháp luật…
Để thực hiện tốt chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, hạn chế những vi phạm, thiếu sót trong giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình của Tòa án, chúng tôi xin nêu một số kinh nghiệm và những vấn đề Kiểm sát viên cần lưu ý như sau:
Trước hết, cần nhận thức và thực hiện đúng những nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự; trong đó, cần lưu ý đảm bảo nguyên tắc bình đẳng về quyền, nghĩa vụ và quyền bảo vệ của đương sự trong tố tụng dân sự; đặc biệt là tôn trọng nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự được thực hiện qua nguyên tắc hòa giải trong tố tụng dân sự; nắm vững các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, các luật nội dung và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, về kiểm sát việc lập hồ sơ: Để kiểm sát chặt chẽ việc lập hồ sơ vụ án dân sự, trước hết cần phải nghiên cứu toàn bộ hồ sơ, xem xét về hình thức và nội dung vụ án.
– Về hình thức: Kiểm tra về thời gian thụ lý giải quyết vụ án có đúng hay không; Tòa án có tuân thủ các nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, đảm bảo các quyền tự định đoạt của đương sự hay không; việc xác định tư cách những người tham gia tố tụng đối với loại án bắt buộc phải hòa giải, kiểm tra đã hòa giải chưa và người hòa giải có phải là Thẩm phán không…
– Về nội dung: Xem đơn khởi kiện đương sự yêu cầu giải quyết vấn đề gì để xác định nó thuộc loại án nào, quan hệ pháp luật điều chỉnh các tài liệu được xem là chứng cứ quan trọng của vụ án do đương sự cung cấp, các giấy tờ liên quan đến yêu cầu khởi kiện, tính hợp pháp của các chứng cứ mà đương sự xuất trình; xem lời khai đầu tiên của đương sự (thông thường lời khai đầu tiên của đương sự phản ánh trung thực và đáng tin nhất); các tài liệu Tòa án điều tra thu thập; các công văn, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức xã hội…
Khi nghiên cứu xong hồ sơ, tiến hành lập hồ sơ kiểm sát. Kiểm sát viên phải thực hiện đầy đủ các thao tác nghiệp vụ theo quy chế công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hướng dẫn về việc lập hồ sơ kiểm sát dân sự của VKSND tối cao. Cần chú ý, mỗi loại tranh chấp đều có những đặc điểm khác nhau, vì vậy, chúng ta cần phải có phương pháp nghiên cứu, xem xét đánh giá thu thập chứng cứ và áp dụng căn cứ pháp luật sao cho cho phù hợp với từng loại yêu cầu khởi kiện.
Thứ ba, hoạt động của Kiểm sát viên tại phiên tòa: Tại phiên tòa, ngoài kiểm sát việc chấp hành pháp luật tố tụng của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, Kiểm sát viên cần lưu ý đến việc bổ sung chứng cứ của đương sự có hợp pháp không, các chứng cứ do các đương sự đưa ra có được xem xét đánh giá đầy đủ, toàn diện và khách quan không; việc áp dụng pháp luật về nội dung có đúng không; từ đó có cơ sở để báo cáo, đề xuất việc chấp hành pháp luật về tố tụng và nội dung khi thực hiện công tác kiểm sát bản án sơ thẩm nhằm kịp thời kháng nghị phúc thẩm nếu có vi phạm nghiêm trọng và tổng hợp kiến nghị Tòa án khắc phục đối với những vi phạm và thiếu sót.
Thứ tư, để thực hiện tốt công tác kiểm sát các bản án, quyết định giải quyết vụ, việc dân sự của Tòa án thì cần phải quản lý chặt chẽ số vụ, việc Tòa án thụ lý, giải quyết cũng như số lượng bản án, quyết định do Tòa án gửi đến; phân công cán bộ, Kiểm sát viên nghiên cứu phát hiện vi phạm chính xác, kịp thời.
Khi kiểm sát bản án, quyết định, việc đầu tiên là xem xét thời hạn gửi bản án, quyết định của Tòa án; xem bản án hoặc quyết định đó có đúng mẫu, đúng thể thức và đầy đủ các nội dung theo quy định không; nghiên cứu bản án, quyết định: Xem xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, đối chiếu với quy định của pháp luật; xem xét phần nhận định của Tòa án có đảm bảo tính có căn cứ không? có phù hợp với cơ sở khoa học và thực tế khách quan không? có tính logic không? có đảm bảo mối quan hệ nhân quả không? xem xét phần quyết định, (tức là quan điểm, đường lối giải quyết có phù hợp với luật nội dung (Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai,…) hay không)? việc tính án phí có đúng không?; cuối cùng xem đến tính khả thi của bản án, quyết định để đảm bảo quyền lợi của người được thi hành án; phần quyết định có rõ ràng không? có điểm nào gây khó khăn cho việc tổ chức thi hành án hay không?.
Tất cả các vi phạm trong một bản án, quyết định (nếu có) đều phải được ghi vào “phiếu kiểm sát bản án, quyết định…” theo mẫu kèm theo bản án, quyết định đó. Tùy theo tính chất, mức độ của từng vi phạm mà Kiểm sát viên đề xuất hướng xử lý kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm hoặc kháng nghị.
Để có một quyết định kháng nghị phúc thẩm có chất lượng, đúng pháp luật thì việc nắm vững quyền năng pháp lý quy định về thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm của VKSND được quy định trong Luật Tổ chức VKSND, Bộ luật Tố tụng dân sự có vai trò rất quan trọng, chỉ có nắm vững mới có điều kiện thực hiện tốt kháng nghị. Ngoài ra, còn phải nắm chắc pháp luật nội dung như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai,… để vận dụng pháp luật cho chính xác.
(Trích bài viết “Một số kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng kháng nghị phúc thẩm các vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình” của tác giả Nguyễn Thị Cẩm Hồng, VKSND tỉnh Long An. TCKS số: 21/2016).
Bài viết có liên quan>>>