Những lưu ý khi kiểm sát việc thụ lý vụ án hành chính

Ngày đăng : 08:10, 27/04/2017

(Kiemsat.vn) - Tại khoản 4 Điều 32 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định những khiếu kiện liên quan đến UBND và Chủ tịch UBND cấp huyện thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh. Đây là một nội dung mới quy định về thẩm quyền thụ lý, giải quyết của Tòa án, khi kiểm sát việc thụ lý, Kiểm sát viên cần lưu ý những vấn đề sau.
traNhững lưu ý khi kiểm sát việc thụ lý vụ án hành chính
Những lưu ý khi kiểm sát việc thụ lý vụ án hành chính

Theo quy định tại Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì đối với những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đã được Tòa án cấp huyện thụ lý trước ngày Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực pháp luật 01/7/2016 thì Tòa án cấp sơ thẩm tiếp tục giải quyết mà không chuyển cho Tòa án cấp tỉnh; đồng thời khi giải quyết các vụ án này,Tòa án phải áp dụng các quy định mới theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Kiểm sát viên cấp sơ thẩm khi được phân công cần nắm chắc quy định này để tiến hành kiểm sát việc giải quyết bảo đảm thực hiện đúng theo các quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

Cụ thể, theo Quy chế về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 573/QĐ-VKSTC-V12 ngày 15/10/2012 của VKSND tối cao, tại Điều 7 đã quy định về kiểm sát việc thụ lý vụ án như sau:

Khi nhận được thông báo thụ lý vụ án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính phải vào sổ thụ lý, lập phiếu kiểm sát thông báo thụ lý theo những nội dung quy định của Luật Tố tụng hành chính (nay là Điều 126 Luật Tố tụng hành chính năm 2015).

Đồng thời, để kiểm sát việc thụ lý vụ án hành chính của Tòa án có đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm sát cần căn cứ vào các Điều 30, 31, 32 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 xem xét thẩm quyền giải quyết vụ án của Tòa án.

Nếu phát hiện việc Tòa án thụ lý vụ án sai thẩm quyền thì báo cáo Lãnh đạo Viện thực hiện quyền kiến nghị; theo dõi thời hạn giải quyết vụ án của Toà án thông qua việc nhận được các quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án, quyết định đưa vụ án ra xét xử. Báo cáo Lãnh đạo Viện cử Kiểm sát viên, Kiểm sát viên dự khuyết tham gia việc giải quyết vụ án và thông báo cho Toà án theo quy định tại khoản 4 Điều 128 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

Bảo Châu