Kinh nghiệm nghiên cứu hồ sơ giai đoạn truy tố vụ án lạm dụng tình dục trẻ em
Ngày đăng : 10:41, 24/04/2017
Nhóm tội liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 bao gồm các tội: Hiếp dâm trẻ em (Điều 112), cưỡng dâm trẻ em (Điều 114), giao cấu với trẻ em (Điều 115), dâm ô đối với trẻ em (Điều 116), mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (Điều 120).
Sau đây là những kinh nghiệm thụ lý hồ sơ vụ án, nghiên cứu hồ sơ trong giai đoạn truy tố đối với vụ án liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em.
Thụ lý hồ sơ vụ án
Khi nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra đề nghị truy tố kèm theo vật chứng do CQĐT chuyển đến, Kiểm sát viên (KSV) (hoặc cán bộ thụ lý) phải kiểm tra từng trang tài liệu, so sánh đối chiếu với bản kê tài liệu xem có đầy đủ, phù hợp không. Hồ sơ vụ án của nhóm tội này cần lưu ý một số tài liệu như: Giấy khai sinh người bị hại (hoặc giấy tờ chứng minh tuổi người bị hại), các biên bản hoạt động tố tụng đối với người bị hại cần có chữ ký, sự chứng kiến của người đại diện hợp pháp, kết luận giám định (nếu có), biên bản xem xét dấu vết trên thân thể (nếu có), biên bản khám nghiệm hiện trường, trích lục tiền án, tiền sự của bị can… Nội dung các trang tài liệu có sửa chữa, thêm, bớt, tẩy xóa không? Nếu có thì yêu cầu người giao hồ sơ giải thích và ghi rõ vào biên bản giao, nhận, có xác nhận bằng chữ ký của người giao để làm căn cứ xác định trách nhiệm giữa các bên. Người nhận hồ sơ phải kiểm tra vật chứng (nếu có) của vụ án. Nếu vật chứng đi kèm hồ sơ được chuyển giao cùng hồ sơ (như tiền, séc, chứng minh nhân dân, bằng cấp…) thì phải so sánh thông tin, đặc điểm vật chứng với ghi chép trong tài liệu, tránh trường hợp vật chứng được giao khác với vật chứng ghi nhận trong hồ sơ. Bị can có đang áp dụng biện pháp ngăn chặn nào không? Thời hạn áp dụng còn hay hết? Phải kiểm tra bản kết luận điều tra đã giao cho bị can, người bào chữa (nếu có), người bị hại và đại diện hợp pháp của người bị hại chưa.
Sau khi kiểm tra, đối chiếu tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Người nhận hồ sơ cần xử lý như sau:
– Nếu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, vật chứng chưa đủ, bản kết luận điều tra chưa được giao cho bị can, người bào chữa (nếu có), người bị hại và đại diện hợp pháp của người bị hại. Nếu các tài liệu có dấu hiệu tẩy, xóa, thêm, bớt nhưng người giao hồ sơ không xác nhận. Hoặc nếu thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn hết trước khi chuyển hồ sơ, nhưng không có văn bản nào thể hiện bị can được tại ngoại;… thì chưa nhận hồ sơ vụ án, yêu cầu CQĐT bổ sung.
– Nếu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, vật chứng đủ so với bản kê tài liệu, bản kết luận điều tra đã được giao cho người có liên quan thì ký nhận và vào sổ thụ lý hồ sơ vụ án, ghi ngày nhận hồ sơ vào góc trên bên trái bìa hồ sơ và báo cáo ngay với Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Lãnh đạo đơn vị kiểm sát điều tra để chuyển hồ sơ vụ án cho KSV được phân công thụ lý giải quyết vụ án. Việc giao nhận hồ sơ giữa người nhận hồ sơ với KSV phải lập thành biên bản theo quy định.
Nghiên cứu hồ sơ vụ án
Nghiên cứu hồ sơ vụ án trong giai đoạn truy tố nhằm giúp KSV đưa ra những đề xuất với Lãnh đạo Viện để ra một trong các quyết định: truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng; trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án KSV cần chú ý nghiên cứu hồ sơ, đưa ra đề xuất trong thời gian ngắn nhất tránh kéo dài ảnh hưởng đến tinh thần người bị hại. Kiểm tra các thủ tục tố tụng (quyết định tố tụng và hành vi tố tụng); nghiên cứu nội dung các tài liệu đánh giá chứng cứ; nghiên cứu nhân thân của bị can.
Ngay sau khi thụ lý hồ sơ vụ án, KSV được phân công kiểm tra thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn, chú ý thời hạn tạm giam của các bị can để báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc KSV được Viện trưởng ủy quyền xem xét, quyết định xử lý theo quy định và tiến hành nghiên cứu hồ sơ vụ án.
Kiểm tra lại thủ tục tố tụng của vụ án nhằm phát hiện những sai sót, vi phạm, mâu thuẫn trong lời khai, mâu thuẫn trong tài liệu buộc tội và gỡ tội để có biện pháp khắc phục. Một số lỗi thường gặp liên quan đến hình thức của các lệnh, quyết định, biên bản do CQĐT lập như: Các quyết định tố tụng không được lập đúng theo các quy định của tố tụng hình sự, không đúng mẫu ban hành, không đủ căn cứ ban hành quyết định, chưa thể hiện rõ nội dung hành vi, điều khoản áp dụng (quyết định khởi tố vụ án chỉ ghi điều luật của BLHS, không ghi điểm, khoản, không ghi hoàn cảnh gia đình bị can,… theo đúng mẫu); không ghi hoặc ghi sai số ngày tháng ban hành (quyết định khởi tố bị can ban hành trước ngày quyết định khởi tố vụ án,…); người ký lệnh, quyết định, người lập biên bản chưa ký hoặc không có thẩm quyền ký (Điều tra viên (ĐTV) không ký vào biên bản lấy lời khai, các bản tự khai không có xác nhận của ĐTV, Cán bộ điều tra tiến hành hỏi cung bị can,…); thông tin ghi trong lệnh, quyết định có đúng không; ngày giờ lệnh tạm giam, quyết định gia hạn tạm giữ không đúng; giờ ngày tháng lập biên bản không phù hợp với giờ kết thúc, nhiều biên bản do một ĐTV tiến hành được ghi cùng một giờ;…
Để đảm bảo tính khách quan của biên bản lấy lời khai, biên bản hỏi cung bị can, ở cuối biên bản, bị can phải tự ghi “tôi đã tự đọc lại biên bản, công nhận đúng nội dung lời khai của mình” hoặc có xác nhận của người làm chứng, chứng kiến việc ĐTV, Cán bộ điều tra đọc lại biên bản (với bị can không biết chữ). Những nội dung biên bản hỏi cung quan trọng cần thiết phải cho bị can viết bản tường trình, bản tự khai kèm theo, có xác nhận (chữ ký, dấu). Khi nghiên cứu hồ sơ thấy những biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung còn nhiều chỗ trống thì phải yêu cầu ĐTV, Cán bộ điều tra gạch chéo; nếu có tẩy xoá phải có xác nhận của bị can, người đã khai báo; các trang biên bản phải có đầy đủ chữ ký của người khai báo.
Việc lấy lời khai và các hoạt động thu thập chứng cứ, thiết lập hồ sơ sau khi khởi tố vụ án phải do ĐTV, Cán bộ điều tra được phân công điều tra vụ án thực hiện. Nếu do Cán bộ điều tra tiến hành thì cũng chỉ được thể hiện là người giúp việc ghi biên bản còn chủ trì các hoạt động đó phải là ĐTV, Cán bộ điều tra không được làm thay, ký thay ĐTV. Các tài liệu được thu thập trước khi khởi tố vụ án và không phải do Điều tra viên tiến hành thì phải được chuyển hóa thành chứng cứ.
Nếu vụ án thuộc trường hợp bắt buộc phải cử người bào chữa cho bị can theo quy định tại khoản 2 Điều 57 BLTTHS năm 2003, KSV kiểm tra trong hồ sơ, bị can (hoặc người đại diện hợp pháp của bị can nếu bị can dưới 18 tuổi) đã nhận người bào chữa hay từ chối? Nếu bị can từ chối thì phải thể hiện bằng đơn từ chối của bị can và ít nhất là 01 biên bản ghi lời khai về việc từ chối, trong biên bản đó, ĐTV phải hỏi rõ lý do từ chối, có bị ép buộc hay không? Nếu bị can đồng ý nhận người bào chữa từ giai đoạn điều tra thì trong hồ sơ phải có các giấy tờ của người bào chữa và việc cấp giấy chứng nhận bào chữa của CQĐT. Theo quy định của BLTTHS năm 2003, trong giai đoạn truy tố, VKS vẫn phải cấp lại Giấy chứng nhận bào chữa cho người bào chữa nếu họ tiếp tục bào chữa cho bị can.
Nghiên cứu nội dung các tài liệu, đánh giá chứng cứ:
Đầu tiên phải nghiên cứu kỹ bản kết luận điều tra đề nghị truy tố của CQĐT xem nội dung bản kết luận điều tra có phản ánh đúng hồ sơ hay không, đồng thời phát hiện những vi phạm của CQĐT. Một bản kết luận điều tra về nhóm tội lạm dụng tình dục trẻ em ngoài những nội dung được quy định trong BLTTHS, phải nêu bật được: Có hành vi lạm dụng tình dục xảy ra không, hậu quả, thái độ của người bị hại với hành vi phạm tội của bị can, tuổi của người bị hại, mối quan hệ giữa bị can và người bị hại, nhân thân của bị can, vấn đề bồi thường thiệt hại, đề nghị xử lý vật chứng,…
Mặc dù quá trình điều tra, KSV đã nắm được cơ bản nội dung vụ án từ khi khởi tố vụ án quyết định đến trước khi kết thúc điều tra nhưng việc nghiên cứu lại toàn bộ vụ án vẫn không thể coi nhẹ. Yêu cầu KSV phải đọc lại toàn bộ từng trang hồ sơ (tài liệu), trích cứu lại nội dung một cách ngắn gọn, đầy đủ (ghi rõ số bút lục của tài liệu, tên tài liệu, số, ngày, tháng, năm lập, người lập, nội dung tài liệu, đối chiếu, so sánh các chứng cứ, nếu có mâu thuẫn hoặc thiếu chứng cứ nào thì đánh dấu lại hoặc ghi chú lại để tổng hợp, kịp thời xử lý).
Kiểm sát viên phải đánh giá một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ nội dung vụ án, các tình tiết định tội, gỡ tội, các tình tiết định khung tăng nặng, định khung giảm nhẹ và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng như các tình tiết khác có liên quan.
Một số loại tội như: Hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em,… bắt buộc phải có kết luận giám định về việc rách màng trinh của nạn nhân, giám định ADN có trong tinh dịch,… để xác nhận hành vi quan hệ tình dục đã xảy ra trên thực tế hay chưa. Ngoài ra, kết luận giám định còn có thể kết luận về tỷ lệ thương tích của người bị hại. Vì vậy, KSV phải xem xét tính phù hợp, tính có căn cứ pháp lý của kết luận giám định này. Từ đó, căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ khác xác định rõ hành vi phạm tội của bị can chỉ phạm một tội trong nhóm tội lạm dụng tình dục trẻ em hay còn có thể phạm tội xâm phạm sức khỏe, tính mạng nữa. Nếu CQĐT không trưng cầu giám định đối với tỷ lệ thương tật của người bị hại thì trong hồ sơ vụ án có thể có biên bản xem xét dấu vết trên thân thể người bị hại, KSV kiểm tra xem CQĐT đã lấy lời khai của người bị hại về việc có yêu cầu giám định thương tích đó không? Nếu từ chối giám định thương tích thì phải thể hiện bằng đơn hoặc trong biên bản ghi lời khai.
Vấn đề xác định tuổi của người bị hại trong nhóm tội lạm dụng tình dục trẻ em là rất quan trọng để xác định hành vi khách quan của bị can phạm tội gì. Đôi khi, cùng một hành vi khách quan, cùng là lỗi cố ý của bị can nhưng độ tuổi của người bị hại khác nhau thì hành vi khách quan đó lại phạm vào những tội khác nhau. Ví dụ: A có hành vi quan hệ tình dục với cháu B. Nếu cháu B là người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì hành vi của A chỉ bị coi là hiếp dâm trẻ em khi cháu B không đồng ý cho A thực hiện hành vi. Ngược lại, nếu cháu B là người dưới 13 tuổi thì mọi hành vi giao cấu (không kể người bị hại đồng ý hay không đồng ý) của A đều bị coi là hiếp dâm trẻ em. Các giấy tờ thể hiện độ tuổi của người bị hại phải có trong hồ sơ: Giấy khai sinh, lý lịch cá nhân (do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp), sổ hộ khẩu (phải có để xác định người đại diện hợp pháp của người bị hại). Trường hợp không có các giấy tờ nêu trên, hồ sơ phải có một trong các giấy tờ tùy thân của người bị hại như: Học bạ, bằng tốt nghiệp, thẻ bảo hiểm, giấy xác nhận nhân thân,… Trong tố tụng hình sự, chúng ta có thể sử dụng quy định tại Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch). Nếu người bị hại không có bất kỳ giấy tờ nhân thân nào thì KSV kiểm tra xem CQĐT đã sử dụng biện pháp nào xác định tuổi của người bị hại, biện pháp này có đúng quy định của luật tố tụng hình sự hay không? Nếu CQĐT chưa xác định tuổi của người bị hại thì phải trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Kiểm sát viên phải xác định hậu quả của tội phạm, ngoài thiệt hại về tính mạng hay sức khỏe thì có thiệt hại về tài sản không, mối quan hệ giữa hành vi phạm tội và hậu quả. Yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị hại, người đại diện hợp pháp của người bị hại. Họ đã cung cấp đầy đủ chứng từ, tài liệu chứng minh cho các thiệt hại đó hay chưa? Nếu chưa thì KSV triệu tập họ lên lấy lời khai và yêu cầu cung cấp các hóa đơn, chứng từ: Hóa đơn điều trị thương tích, hóa đơn đi lại, ngày công lao động của người chăm sóc tại bệnh viện (nếu có),… Trường hợp, VKS không thể tự mình bổ sung được thì trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Kiểm sát viên phải triệu tập người bị hại, người đại diện hợp pháp của người bị hại để lấy lời khai của họ về các tình tiết nội dung vụ án, có thay đổi gì về mức yêu cầu bồi thường thiệt hại, có rút yêu cầu khởi tố vụ án không? Nếu người bị hại là vị thành niên, không được sử dụng các câu từ mang tính chất nhạy cảm, không hỏi giống như đối với bị can. Trong quá trình hỏi người bị hại phải có sự tham gia, xác nhận của người đại diện hợp pháp.
Đối với việc thu giữ, bảo quản, xử lý vật chứng của CQĐT phải đúng quy định của pháp luật.
Nghiên cứu nhân thân của bị can, thực tiễn cho thấy, với nhiều vụ án, CQĐT dùng “Lý lịch cá nhân” ngay sau khi bắt được hoặc phát hiện được người có hành vi phạm tội nhưng chưa khởi tố bị can để làm tài liệu điều tra ban đầu. Sau khi khởi tố bị can vẫn sử dụng “Lý lịch cá nhân” trong hồ sơ vụ án. Những trường hợp như vậy cần phải có 02 lý lịch: “Lý lịch cá nhân” và “Lý lịch bị can”. Lý lịch bị can phải phản ánh cụ thể đặc điểm nhân thân: Tuổi, bố mẹ, anh, chị, em, nghề nghiệp, tiền án, tiền sự của bị can và phải có xác nhận của chính quyền địa phương hoặc của thủ trưởng đơn vị quân đội nếu bị can là quân nhân. Nếu bị can đăng ký nhân khẩu thường trú ở một nơi và cư trú ở nhiều nơi thì phải có xác nhận của chính quyền địa phương các nơi đó.
Nhân thân của bị can liên quan đến việc xác định tuổi chịu trách nhiệm hình sự, năng lực trách nhiệm hình sự để từ đó xác định bị can có phạm tội hay không, đồng thời để áp dụng thủ tục tố tụng hình sự. Ví dụ: Bị can là người chưa thành niên, người có ngược điểm về thể chất, tâm thần thì CQĐT, VKS phải đảm bảo quyền bào chữa cho họ theo quy định tại Điều 57 BLTTHS.
Tiếp đó, xem xét tiền án, tiền sự và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can. Đối với tiền án, tiền sự, cần xác định bị can trước đây đã phạm tội lần nào chưa, thuộc loại tội phạm nào, xóa án tích hay chưa? Cần so sánh giữa các tài liệu: Lý lịch bị can, trích lục tiền án, tiền sự, bản án, lời khai của bị can.
Sau đó, KSV phải tiến hành lấy bản tổng cung lần cuối đối với bị can, nhằm khẳng định lại kết quả điều tra của CQĐT là đúng hay sai, có phát sinh tình tiết mới nào không.
Khi đã nghiên cứu hồ sơ vụ án một cách đầy đủ, KSV so sánh, đánh giá tổng hợp, nếu thấy các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập khách quan, toàn diện và đầy đủ, hành vi lạm dụng tình dục đã cấu thành một hoặc nhiều trong các tội lạm dụng tình dục trẻ em nêu trên thì đề xuất Lãnh đạo Viện về việc truy tố bị can, xây dựng dự thảo bản cáo trạng.
Nguyễn Công Lợi
VKSND huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc
TCKS số 23/2016