Kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự và chất lượng bài phát biểu của KSV tại phiên tòa
Ngày đăng : 03:29, 18/04/2017
Ảnh có tính minh họa (nguồn internet)
Kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự
Việc tham gia phiên tòa, phiên họp của Viện kiểm sát được quy định cụ thể tại khoản 2, 3 Điều 21 BLTTDS năm 2015:
…“2. Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 của Bộ luật này.
- Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm”.
Tham gia phiên tòa là một trong những hoạt động tố tụng của KSV trong tố tụng dân sự, hoạt động này có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nó quyết định đến chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự của Viện kiểm sát nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án dân sự của Tòa án kịp thời, đúng pháp luật. Trên cơ sở quy định của pháp luật về một số vấn đề lý luận, pháp lý về công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự đã được đề cập phần đầu của bài viết này giúp cho sự nhận thức đầy đủ quyền năng pháp lý của Viện kiểm sát để thực hiện tốt công tác kiểm sát các vụ việc dân sự đảm bảo có hiệu quả, chất lượng.
Một vấn đề lớn, cơ bản được đặt ra cho công tác này, đó là: Công tác kiểm sát xét xử vụ án dân sự dù ở cấp nào cũng phải đáp ứng được tiêu chí phát hiện kịp thời và đầy đủ các vi phạm của Tòa án trong quá trình thụ lý, giải quyết và xét xử vụ án dân sự. Trên cơ sở đó để có biện pháp xử lý, giải quyết phù hợp theo đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ án của Tòa án kịp thời, đúng pháp luật; bảo đảm cho các bản án và quyết định của Tòa án trong các vụ việc dân sự có căn cứ và đúng pháp luật.
Về sự tham gia phiên tòa của VKSND: Kế thừa BLTTDS năm 2004, Điều 21 của BLTTDS năm 2015 đã quy định cụ thể các trường hợp VKSND tham gia phiên tòa giải quyết vụ việc dân sự; theo đó, tiếp tục quy định các trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa, đồng thời, bổ sung một số nội dung mới như sau:
– Bổ sung quy định Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với trường hợp Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng;
– Quy định đối với trường hợp Kiểm sát viên được Viện trưởng phân công tham gia phiên tòa sơ thẩm hoặc phiên tòa phúc thẩm mà vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành việc xét xử, không hoãn phiên tòa, trừ trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm. Quy định này nhằm bảo đảm cho việc xét xử, giải quyết vụ án dân sự được nhanh chóng, kịp thời, đề cao trách nhiệm của Kiểm sát viên và Viện kiểm sát.
Nội dung kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa
Tại phiên tòa sơ thẩm: Theo quy định tại Chương XIV BLTTDS năm 2015 về ”Phiên tòa sơ thẩm” thì tại phiên tòa sơ thẩm, Viện kiểm sát kiểm sát hoạt động tuân theo pháp luật bảo đảm phiên tòa sơ thẩm phải được tiến hành đúng quy định chung về phiên tòa sơ thẩm, như:
– Kiểm sát việc thay thế thành viên Hội đồng xét xử trong trường hợp đặc biệt (Điều 226); kiểm sát sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Điều 227), kiểm sát việc xét xử trong trường hợp đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt tại phiên tòa (Điều 228); kiểm sát sự có mặt của người làm chứng, người giám định, người phiên dịch (các điều 229, 230, 231). Trên cơ sở đó để kiểm sát tính có căn cứ của quyết định hoãn phiên tòa; quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu của nguyên đơn, quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố của bị đơn có yêu cầu phản tố, quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập khi đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự không có mặt tại phiên tòa mà không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan của Tòa án và của Hội đồng xét xử (nếu có); kiểm sát bảo đảm thủ tục xét xử vắng mặt tất cả những người tham gia tố tụng đúng quy định (Điều 238)….
– Kiểm sát thủ tục bắt đầu phiên tòa (từ Điều 239 đến Điều 246).
– Kiểm sát việc tranh tụng tại phiên tòa (từ Điều 247 đến Điều 263).
Theo quy định tại Điều 249 BLTTDS năm 2015 về “Thứ tự và nguyên tắc hỏi tại phiên tòa” thì KSV là người hỏi sau cùng, sau Chủ tọa phiên tòa và Hội thẩm nhân dân và việc đặt câu hỏi phải rõ ràng, nghiêm túc, không trùng lắp, không lợi dụng việc hỏi và trả lời để xâm phạm danh dự, nhân phẩm của những người tham gia tố tụng. Với nội dung quy định nêu trên đòi hỏi trong quá trình tham gia phiên tòa, KSV phải tập trung cao độ để theo dõi diễn biến và nội dung của phiên tòa, ghi chép đầy đủ, nắm chắc nội dung lời trình bày của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, nội dung các câu hỏi và trả lời của đương sự. Trên cơ sở đó, tham gia hỏi, đặt ra các câu hỏi để củng cố lập luận, về đánh giá chứng cứ, tình tiết của vụ án, quan hệ pháp luật tranh chấp trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án đã được đặt ra, tránh tình trạng đặt ra câu hỏi trùng lắp với câu hỏi đã được những người tham gia tố tụng, chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm nhân dân đã hỏi và đã được đương sự trả lời rõ ràng, đầy đủ. Nội dung hỏi cần tập trung vào các vấn đề liên quan đến tố tụng và nội dung vụ án để củng cố và hoàn thiện văn bản phát biểu ý kiến của KSV tại phiên tòa.
Tại phiên tòa phúc thẩm: Tương tự như quy định về phiên tòa sơ thẩm, Chương XVII BLTTDS năm 2015 quy định “Thủ tục xét xử phúc thẩm” (từ Điều 293 đến Điều 315). Theo đó, tại phiên tòa phúc thẩm Viện kiểm sát kiểm sát một số nội dung cụ thể như: Phạm vi xét xử phúc thẩm; tạm đình chỉ; đình chỉ xét xử phúc thẩm tại phiên tòa, hoãn phiên tòa phúc thẩm….
Với tính chất và phạm vi xét xử phúc thẩm và theo quy định của pháp luật tại phiên tòa phúc thẩm, trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị thì KSV trình bày nội dung kháng nghị, căn cứ của việc kháng nghị và KSV có quyền xuất trình bổ sung tài liệu, chứng cứ.
Việc hỏi được thực hiện như tại phiên tòa sơ thẩm nhưng chỉ đối với những vấn đề thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm được quy định tại Điều 293 BLTTDS. Trình tự tranh luận đối với kháng nghị, KSV phát biểu ý kiến về những vấn đề mà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, đương sự nêu, trên cơ sở đó củng cố nhận định, đánh giá để bảo vệ kháng nghị hoặc rút kháng nghị trong trường hợp kháng nghị không có căn cứ, đồng thời hoàn chỉnh văn bản phát biểu ý kiến của KSV tại phiên tòa.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm: Theo quy định tại Điều 341 BLTTDS tại phiên tòa giám đốc thẩm. Nếu là kháng nghị của Chánh án việc trình bày tóm tắc nội dung vụ án, quá trình giải quyết vụ án, quyết định của bản án có hiệu lực bị kháng nghị cũng như nội dung và đề nghị của kháng nghị do một thành viên Hội đồng xét xử trình bày; nếu là kháng nghị của Viện kiểm sát thì KSV trình bày nội dung kháng nghị.
Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án.
Trên cơ sở đó, các thành viên Hội đồng xét xử giám đốc thẩm phát biểu ý kiến và thảo luận; Hội đồng xét xử giám đốc thẩm nghị án và biểu quyết về việc giải quyết vụ án.
Bài phát biểu ý kiến của KSV tại phiên tòa
Để nâng cao chất lượng văn bản phát biểu ý kiến của KSV tại phiên tòa tùy thuộc vào tính chất của từng cấp xét xử. Trước hết, khi xây dựng văn bản phát biểu KSV phải nắm chắc các quy định của BLTTDS quy định về vấn đề này và đã được hướng dẫn cụ thể, chi tiết tại Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 của VKSND tối cao và Tòa án nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa VKSND và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của BLTTDS (sau đây viết tắt là Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT):
Điều 262 BLTTDS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm như sau: “Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án và của người tham gia tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án”.
Điều 28, 30, 31 Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT hướng dẫn cụ thể nội dung phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm; phiên tòa, phiên họp phúc thẩm; phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm.
Với các căn cứ, quy định nêu trên đã tạo ra một hành lang pháp lý để Viện kiểm sát thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình được pháp luật quy định khi thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự nói chung và công tác kiểm sát xét xử vụ án dân sự nói riêng.
Để thực hiện được tốt chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự, đòi hỏi KSV, công chức Viện kiểm sát các cấp phải luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, không ngừng phấn đấu, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp. Nắm chắc các quy định của pháp luật tố tụng dân sự (luật hình thức) và luật nội dung, bao gồm các quy định tại Bộ luật Dân sự và các quy định pháp luật thuộc các lĩnh vực khác có liên quan đến việc giải quyết các mối quan hệ tranh chấp của các vụ án dân sự do Tòa án thụ lý giải quyết. Nắm chắc được các nội dung này sẽ là một công cụ đắc lực giúp cho KSV thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn được phân công. Bên cạnh đó, việc tích lũy, đúc rút những kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của KSV, công chức cũng đóng một vai trò không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả công tác kiểm sát.
Để thực hiện có hiệu quả công tác kiểm sát xét xử các vụ án dân sự, đặc biệt là nâng cao chất lượng văn bản phát biểu ý kiến của KSV tại các phiên tòa, Viện kiểm sát các cấp phải không ngừng quan tâm, trú trọng tới việc nâng cao vị trí, vai trò, trách nhiệm của KSV khi tham gia phiên tòa, bảo đảm nắm chắc toàn bộ nội dung vụ án để có đề xuất quan điểm giải quyết vụ án đảm bảo đúng quy định của pháp luật; nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, bản lĩnh nghiệp vụ vững vàng… sẽ bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự của ngành Kiểm sát sẽ được nâng lên, khẳng định được vị thế của ngành đối với chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định trong tố tụng dân sự, đó là: Việc giải quyết các vụ việc dân sự của Tòa án kịp thời, đúng pháp luật. Trong đó hoạt động kiểm sát xét xử với trọng tâm nâng cao chất lượng văn bản phát biểu ý kiến của KSV tại các phiên tòa đóng một vai trò quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả của công tác kiểm sát.
(Trích bài “Công tác kiểm sát xét xử vụ án dân sự và vấn đề nâng cao chất lượng bài phát biểu của KSV tại phiên tòa” của Tiến sĩ Lê Thành Dương, Vụ trưởng Vụ 9, VKSND tối cao. TCKS số 20/2016).