Nhiệm vụ và quyền hạn của VKSND đối với hoạt động của Thừa phát lại
Ngày đăng : 09:37, 02/04/2017
Chủ trương của Đảng và Nhà nước về thực hiện chế định Thừa phát lại.
Sau 5 năm thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số địa phương (từ năm 2010 đến năm 2015) đã thu được những tín hiệu lạc quan, tích cực. Ngày 26/11/2015, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 107/2015/QH13 về việc thực hiện chế định Thừa phát lại, chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi cả nước kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016. Ngày 14/01/2016, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 101/QĐ-TTg về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH3 của Quốc hội. Từ đó xem xét xây dựng Luật Thừa phát lại nhằm đảm bảo hoạt động này được thực hiện nhất quán, đúng luật định.
Nhiệm vụ, chức năng, vai trò, quyền hạn của Thừa phát lại được quy định tại Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật khác, theo đó Thừa phát lại làm những công việc sau:
Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự.
Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.
Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.
Nhiệm vụ và quyền hạn của VKSND đối với hoạt động của Thừa phát lại theo các quy định của pháp luật
Nhiệm vụ và quyền hạn của VKSND đối với hoạt động của Thừa phát lại là các VKSND cấp kiểm sát chặt chẽ hoạt động của Thừa phát lại, đảm bảo mọi hoạt động luôn tuân thủ đúng quy định của pháp luật, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa một số hoạt động tư pháp của Đảng và Nhà nước.
Khi kiểm sát hoạt động của Thừa phát lại, nhiệm vụ và quyền hạn của VKSND đối với hoạt động của Thừa phát lại thực hiện theo quy định tại Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2009/NĐ- CP; Thông tư liên tịch số 03/2014 ngày 17/01/2014 giữa Bộ Tư pháp và Ngân hàng nhà nước Việt Nam về hướng dẫn việc xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại tại các tổ chức tín dụng; Thông tư liên tịch số 09/2014 ngày 28/02/2014 của Bộ Tư pháp, TANDTC, VKSNDTC và Bộ tài chính về hướng dẫn thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012 ngày 23/11/2012 của Quốc hội; Hướng dẫn số 03/HD-VKSTC-V10 ngày 07/01/2014 của VKSNDTC kiểm sát hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại.
Theo đó, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của VKSND đối với hoạt động của Thừa phát lại như sau:
1. Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009: Việc kiểm sát hoạt động của Thừa phát lại thực hiện theo quy định của Luật tổ chức VKSND và quy định pháp luật liên quan (Điều 48).
2.Thông tư 03/2014/TTLT-BTP-NHNNVN ngày 17/01/2014: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh hoặc từ ngày lập biên bản xác minh, Văn phòng thừa phát lại có trách nhiệm gửi kết quả xác minh hoặc biên bản xác minh cho ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi đặt Văn phòng thừa phát lại (khoản 5 Điều 3).
3.Thông tư liên tịch số 09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ban hành ngày 28/02/2014 quy định rõ một số điều về thẩm quyền, trách nhiệm của Viện kiểm sát đối với Thừa phát lại như sau:
– Trong quá trình đánh giá, xem xét giá trị chứng cứ của vi bằng, nếu xét thấy cần thiết, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân có thể triệu tập Thừa phát lại để làm rõ tính xác thực của vi bằng (Điều 7).
– Quyết định xác minh điều kiện thi hành án phải được gửi cho Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại và Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự (khoản 2 Điều 9).
– VKSND cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền (Điều 21):
Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Thừa phát lại trong việc tống đạt các văn bản theo quy định của Luật tổ chức VKSND, pháp luật về thi hành án dân sự và pháp luật về tố tụng.
Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Thừa phát lại trong việc thi hành án theo quy định của Luật tổ chức VKSND và pháp luật về thi hành án dân sự.
– VKSND cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại có quyền kháng nghị quyết định, hành vi pháp luật của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại, Thừa phát lại trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc phát hiện hành vi vi phạm. Trưởng Văn phòng Thừa phát lại có trách nhiệm trả lời kháng nghị và thực hiện nội dung kháng nghị trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được kháng nghị.
Trường hợp không chấp nhận kháng nghị thì Trưởng văn phòng Thừa phát lại có quyền kiến nghị Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại xem xét trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kháng nghị. Văn bản kiến nghị được gửi đồng thời cho VKSND đã kháng nghị và VKSND cấp trên trực tiếp của VKSND đã kháng nghị. Cục trưởng Cục thi hành án dân sự có trách nhiệm trả lời trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị; văn bản trả lời của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành. Văn bản trả lời kiến nghị được gửi đồng thời cho VKSND cùng cấp và VKSND đã kháng nghị.
Trường hợp xét thấy văn bản trả lời kháng nghị không có căn cứ thì Viện trưởng VKSNDTC có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét lại văn bản trả lời của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự (khoản 1 Điều 22).
– Việc thực hiện các quyền kiến nghị và yêu cầu của VKSND trong kiểm sát hoạt động của Thừa phát lại được thực hiện theo quy định của Luật tổ chức VKSND, pháp luật về tố tụng và pháp luật về thi hành án dân sự (khoản 2 Điều 22).
Ngoài ra, công tác kiểm sát của VKSND đối với hoạt động của Thừa phát lại còn thực hiện theo Hướng dẫn số 03/VKSTC-V10 ngày 07/01/2014 của VKSNDTC. Trong đó quy định kiểm sát việc tống đạt các loại văn bản giấy tờ cho Tòa án nhân dân, cơ quan Thi hành án dân sự đảm bảo đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục và thời gian quy định. Kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án, tổ chức thi hành án theo yêu cầu của đương sự đảm bảo đúng trình tự, thẩm quyền, thủ tục nội dung bản án, quyết định. Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ căn cứ theo Luật tổ chức VKSND, Luật thi hành án dân sự, Luật tố tụng dân sự… để thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị khắc phục vi phạm.
Nguyễn Văn Lộc
Theo VKSND tỉnh Nghệ An