Bản yêu cầu điều tra theo BLTTHS năm 2015

Ngày đăng : 09:44, 30/03/2017

(Kiemsat.vn) – Có nhất thiết tất cả các vụ án đều phải ban hành bản YCĐT? Đây là những vấn đề đang có sự tranh luận. Với yêu cầu mới của BLTTHS năm 2015 về bản YCĐT, khi thực hiện sẽ có cách hiểu và cách vận dụng khác nhau.
Bản yêu cầu điều tra theo BLTTHS năm 2015
Ảnh minh họa – Bản yêu cầu điều tra theo BLTTHS năm 2015

Trước hết, chúng ta cần tiếp tục xác định đúng vị trí, vai trò quan trọng của bản YCĐT, vì đây là một trong những nhiệm vụ thực hành quyền công tố của VKSND, thể hiện rõ và đầy đủ nhất chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của VKS trong hoạt động điều tra, góp phần đảm bảo cho việc điều tra đúng quy định của pháp luật, chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm. Về cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, chỉ khi nào KSV bám sát tiến độ điều tra của Điều tra viên (ĐTV), kịp thời ban hành bản YCĐT có chất lượng và yêu cầu ĐTV và CQĐT thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời bản YCĐT thì việc xử lý hạn chế đến mức thấp nhất việc xảy ra oan sai, trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 giao cho VKS và người thực hiện là KSV đề ra bản yêu cầu điều tra “để làm rõ tội phạm và người phạm tội”. Điểm mới này chính là mục đích và nhiệm vụ của YCĐT. Theo chúng tôi, “làm rõ tội phạm và người phạm tội” là làm rõ các nội dung như sau:

Một là, làm rõ diễn biến của hành vi phạm tội, bao gồm thời gian, không gian, địa điểm, diễn biến cụ thể của từng hành vi và các hành vi phạm tội; động cơ, mục đích, nguyên nhân và điều kiện phạm tội; công cụ, phương tiện, phương thức thủ đoạn phạm tội; tính chất của tội phạm (có tổ chức hay không có tổ chức); hậu quả của tội phạm, các tình tiết khác có ý nghĩa trong việc xử lý tội phạm như tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Hai là, ai là người phạm tội, phạm tội gì, phạm mấy tội. Vụ án có đồng phạm hay chỉ phạm tội độc lập. Vai trò, vị trí của từng đối tượng trong vụ án như thế nào (trường hợp có đồng phạm) để xác định người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Ba là, “làm rõ” ở đây được hiểu là có đủ hồ sơ, tài liệu để khẳng định, để chứng minh một sự vật, hiện tượng và khẳng định chắc chắn về sự vật, hiện tượng đó. Đảm bảo chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án để kết luận tội phạm, người phạm tội, hành vi phạm tội và các tình tiết khác, không có sự phân vân, băn khoăn nào khác; không để xảy ra tình trạng chứng cứ thiếu thống nhất, có thể đánh giá khác nhau về người thực hiện tội phạm, diễn biến hành vi phạm tội, hậu quả của tội phạm.

Như vậy, BLTTHS năm 2015 đòi hỏi chất lượng cao hơn của việc YCĐT. Từ đó, buộc KSV phải có chuyển biến về nhận thức và hoạt động khi ra bản YCĐT vụ án hình sự.

Vấn đề đặt ra là khi nào thì cần ban hành bản YCĐT, có nhất thiết tất cả các vụ án đều phải ban hành văn bản này không? Đây là những vấn đề đang có sự tranh luận và nhận thức khác nhau. Với yêu cầu mới của bản YCĐT nêu trên, khi thực hiện BLTTHS năm 2015 chắc chắn sẽ có cách hiểu và cách vận dụng khác nhau. Có ý kiến cho rằng có thể ban hành văn bản này từ trước lúc khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tất cả các vụ án hình sự đều phải ban hành YCĐT. Ý kiến khác lại lập luận chỉ ban hành bản YCĐT khi đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và không nhất thiết tất cả các vụ án phải có yêu cầu điều tra.

Thực tế công tác điều tra cho thấy, trước khi khởi tố vụ án, Cơ quan điều tra tiến hành xác minh, thu thập tin báo, hoạt động trinh sát, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để phá án và điều tra về sau. Nhưng tất cả các hoạt động này chưa phải là hoạt động điều tra công khai theo quy định của Bộ luật Hình sự và BLTTHS, là hoạt động “tiền khởi tố”. Chỉ khi khởi tố vụ án thì mới chính thức điều tra theo luật định, và KSV mới có thể xem xét để ban hành bản YCĐT. Ít trường hợp ngay sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can VKS ra bản YCĐT, thường khi công tác điều tra đã thực hiện được một giai đoạn nhất định thì KSV mới xem xét để ban hành văn bản này. Trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm thì KSV áp dụng khoản 2 Điều 159 BLTTHS năm 2015: “Khi cần thiết, đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm thực hiện”.

Từ lý luận và thực tiễn cho thấy, KSV chỉ ban hành bản YCĐT khi ĐTV điều tra chưa toàn diện, triệt để, còn có tồn tại trong việc thu thập chứng cứ và vi phạm thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết vụ án. Đối với các vụ án, ĐTV đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, qua thực hành quyền công tố và KSĐT vụ án, KSV thấy không cần phải làm rõ vấn đề gì, không có vi phạm thì không nhất thiết phải ban hành bản YCĐT. Ví dụ: Các vụ án trộm cắp, vụ án ma túy bắt quả tang, bị can có lý lịch rõ ràng, điều tra, thu thập chứng cứ đầy đủ thì không có căn cứ để ban hành bản YCĐT. Mặt khác, nếu chúng ta yêu cầu 100% vụ án đều phải có YCĐT thì dễ nảy sinh việc làm hình thức, KSV dễ sa vào việc yêu cầu điều tra chung chung…

Quy định mới này của BLTTHS đặt ra yêu cầu phải nâng cao số lượng và chất lượng các bản YCĐT. Như vậy, một vụ án hình sự có thể ra nhiều văn bản YCĐT. Thông thường các vụ án đơn giản, phạm tội quả tang, không có đồng phạm, diễn biến hành vi phạm tội rõ ràng, công tác điều tra thu thập chứng cứ thuận lợi… thì có thể ban hành một bản YCĐT. Nhưng đối với các vụ án phức tạp về chứng cứ tội danh, có nhiều bị can tham gia, hành vi phạm tội diễn ra trong thời gian dài, án xảy ra ban đêm, án không có nhân chứng hoặc ít nhân chứng, độ tin cậy của nhân chứng không cao… thì nhất thiết phải ban hành nhiều bản YCĐT. Muốn vậy, KSV phải thực sự đồng hành với CQĐT, bám sát tiến độ và kết quả điều tra,  nắm chắc tình trạng hồ sơ vụ án thì mới kịp thời ban hành nhiều bản YCĐT được.

Muốn nâng cao hiệu quả, hiệu lực của YCĐT thì phụ thuộc rất nhiều và chủ yếu vào chất lượng của văn bản này. Nếu ra bản YCĐT chậm tiến độ, chất lượng không bảo đảm thì không thể yêu cầu ĐTV thực hiện nghiêm túc được. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng công tố, uy tín của VKS nói chung và KSV nói riêng. Bản YCĐT có chất lượng là bản YCĐT ban hành kịp thời, đưa ra những nội dung cần điều tra một cách sát, đúng, cụ thể; phù hợp với kết quả điều tra, thu thập chứng cứ, nếu thực hiện nghiêm túc văn bản này thì cuộc điều tra được tiến hành khách quan, toàn diện, triệt để, phục vụ tốt cho công tác truy tố, xét xử, không phải trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung. Từ kinh nghiệm thực tiễn chúng tôi thấy có 5 trường hợp phải yêu cầu điều tra bổ sung, gồm: Hoàn thiện và bổ sung về thủ tục tố tụng; hoàn thiện và bổ sung chứng cứ, tài liệu; những nội dung mới cần điều tra, xác minh làm rõ; những yêu cầu Cơ quan điều tra phải kết luận, xác minh; yêu cầu về các biện pháp điều tra. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, yêu cầu điều tra để hoàn thiện và bổ sung về thủ tục tố tụng: Trường hợp chưa có thủ tục tố tụng hoặc có nhưng chưa đầy đủ, chưa rõ ràng, cụ thể, không đúng với quy định của pháp luật. Những thiếu sót như: Chưa nêu rõ xuất xứ, quy trình thu giữ tài liệu, vật chứng; không mời người bào chữa theo quy định của pháp luật hoặc có mời nhưng không tạo điều kiện cho họ thực hiện nhiệm vụ; thiếu các lệnh trả tự do, biên bản thu giữ và trả vật chứng; thiếu đóng dấu bút lục hồ sơ vụ án; biên bản tài liệu viết sai ngày, tháng, năm hoặc mâu thuẫn về thời gian giữa các tài liệu; chưa giải thích quyền và nghĩa vụ của bị can, nhân chứng, bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan… Trong trường hợp này, YCĐT phải nêu rõ thiếu hoặc chưa thực hiện đầy đủ thủ tục tố tụng nào, ở trang tài liệu nào, phương pháp và cách thức khắc phục ra sao. Yêu cầu đặt ra là lập biên bản mới; nếu sửa chữa thì phải chỉ rõ cụ thể. Nếu có sự mâu thuẫn về không gian, thời gian, địa điểm của các văn bản tố tụng thì nêu đích danh ở biên bản nào, lời khai nào để yêu cầu khắc phục.

Thứ hai, yêu cầu bổ sung, làm rõ và hoàn thiện về chứng cứ: Yêu cầu làm rõ các nội dung gồm: Chứng cứ để xử lý, kết luận; tài liệu có trong hồ sơ vụ án phản ánh chứng cứ không đủ cơ sở để kết luận; chứng cứ có nhiều mâu thuẫn, nguồn chứng cứ này “triệt tiêu” chứng cứ kia; đã có thông tin chứng cứ qua tài liệu có trong hồ sơ vụ án nhưng chưa được điều tra, thu thập; các chứng cứ gỡ tội (nếu có) chưa được điều tra, thu thập.

Việc yêu cầu hoàn thiện và bổ sung về chứng cứ xảy ra ở nhiều loại tội, thường ở những vụ án phức tạp, đông người tham gia, xảy ra vào ban đêm, không có người làm chứng như các tội danh cố ý gây thương tích, giết người, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản… biểu hiện cụ thể là: Trong hồ sơ vụ án có 2 nhóm chứng cứ phản ánh không và có hành vi phạm tội của một đối tượng; bị can khai bị đánh ở vị trí này nhưng giám định trên cơ thể thì thương tích nằm ở vị trí khác; lời khai, biên bản hỏi cung phản ánh vật chứng khác nhau; bị can, bị hại, người làm chứng khai có sự khác biệt về hành vi, địa điểm, thời gian gây án. Trong trường hợp này, KSV phải nghiên cứu hồ sơ vụ án, đánh giá chứng cứ, tài liệu để YCĐT làm rõ các nội dung, nếu bổ sung chứng cứ thì phải nêu rõ đó là vật chứng hay phải hỏi cung, lấy lời khai; vật chứng đó là gì, lấy lời khai của ai; nếu có xung đột chứng cứ thì điều tra làm rõ vì sao có sự xung đột; nếu hỏi cung, lấy lời khai chưa rõ, chưa hỏi cụ thể xoáy sâu vào trọng tâm thì yêu cầu ĐTV hỏi nội dung gì, khai thác ở điểm gì?.

Thứ ba, những nội dung mới cần điều tra, xác minh làm rõ: Đó là nội dung mà KSV phát hiện qua nắm, xử lý tin báo tội phạm, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án nhưng chưa được điều tra làm rõ như phát hiện đối tượng phạm tội, người làm chứng, vật chứng mới, hành vi phạm tội chưa được khởi tố, điều tra… Trong trường hợp này, tại bản YCĐT, Kiểm sát viên phải nêu hoặc trích dẫn chứng cứ mới hoặc phát hiện điểm mới này thu thập từ đâu, nội dung như thế nào, những vấn đề gì cần điều tra, kết luận…

Thứ tư, những yêu cầu CQĐT phải kết luận: Điều 233 BLTTHS năm 2015 quy định “Kết luận điều tra trong trường hợp đề nghị truy tố”. So với BLTTHS năm 2003 thì có sự thay đổi lớn. Khi ban hành kết luận điều tra thì yêu cầu phải kết luận các điểm mới sau: Động cơ, mục đích phạm tội; tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra; nguyên nhân và điều kiện phạm tội; lý do và căn cứ đề nghị truy tố tội danh, điều, khoản, điểm của BLHS được áp dụng. Kiểm sát viên phải hết sức chú ý nội dung này. Hiện nay, bản kết luận điều tra vụ án chỉ nêu diễn biến hành vi phạm tội, đối tượng phạm tội, hậu quả vật chất, đề nghị truy tố mà không nêu các nội dung trên. Mặt khác, có một số nội dung tuy BLTTHS không nêu CQĐT phải kết luận, nhưng bản thân sự vật đó phải có kết luận như: Tại sao sử dụng chứng cứ này nhưng lại không sử dụng chứng cứ kia; sử dụng lời khai, căn cứ này nhưng lại không sử dụng lời khai kia; tại sao vật chứng là công cụ A, không phải là B; đối tượng phạm tội là một người, không phải nhiều người; căn cứ vào đâu để khẳng định hoặc bác bỏ vụ án có tổ chức hoặc không có tổ chức, có hành vi này nhưng không có hành vi kia; tội danh này, mà không phải là tội danh khác…

Thứ năm, yêu cầu truy nã bị can và áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt: Đây là điểm mới hoàn toàn so với BLTTHS hiện hành, được quy định một nhiệm vụ cụ thể của nội dung yêu cầu điều tra. Biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt được quy định tại Điều 223 đến Điều 228 BLTTHS năm 2015. Trong đó chú ý: Viện kiểm sát yêu cầu áp dụng biện pháp này khi đủ điều kiện và phải phê chuẩn trước khi thực hiện; thời gian thực hiện không được quá hai tháng, trường hợp phức tạp thì gia hạn thêm nhưng không quá thời hạn điều tra; phê chuẩn việc hủy bỏ biện pháp này…

Cùng với yêu cầu về nội dung, bản YCĐT cũng phải quan tâm đến hình thức và phương pháp thể hiện. Chúng tôi thấy bản YCĐT phải viết rõ ràng, mạch lạc, cụ thể, dễ hiểu. Yêu cầu điều tra về nội dung gì, đối tượng nào, bổ sung những vấn đề gì phải ghi rõ, tránh nêu chung chung, không sát với hồ sơ và tiến độ điều tra; không được cắt nhỏ và xé lẻ nội dung thành nhiều mục hoặc nhiều câu hỏi rườm rà. Khi cần thiết thì viện dẫn luật, viện dẫn căn cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và chứng cứ chứng minh tồn tại, vi phạm cần điều tra bổ sung khắc phục; tránh dùng từ kiểu “chỉ đạo”, quá mức hoặc sa vào đánh giá tình hình…

Chúng tôi xin nêu một ví dụ cụ thể: Vụ án Nguyễn Trọng N khởi tố về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tài liệu điều tra phản ánh vào cuối năm 2014, N đã nhận 280.000.000 đồng của chị Nguyễn Thị T ở huyện TK về việc hứa xin việc cho Q, người người nhà và người quen của chị, nhưng chờ mãi không thấy N trao đổi, thông tin gì về kết quả xin việc và tiền N cũng không trả lại cho chị T. Sau khi nhận số tiền trên, N đã chuyển cho Ngô Sỹ Q 185.000.000 đồng, chuyển cho Nguyễn Thị Kiều O là 39.000.000 đồng, chuyển cho anh Lê Văn V là 30.000.000 đồng để nhờ các đối tượng xin việc. Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, thấy có nhiều nội dung chưa được điều tra sáng tỏ, KSV làm bản YCĐT làm rõ các nội dung sau đây: “(1) Khi N và T giao nhận tiền thì trao đổi bàn bạc, thống nhất với nhau như thế nào? cụ thể xin việc ở đâu, làm việc gì, khi nào thì có kết quả xin việc. Nếu xin được và không xin được việc thì thanh toán và trả số tiền trên được thực hiện như thế nào?; (2) Khi N chuyển tiền cho các đối tượng Q, O, V nêu trên thì trao đổi, thỏa thuận như thế nào? cần điều tra, làm rõ các đối tượng trên có đi xin việc như N nhờ không, hiện nay họ sử dụng số tiền này vào mục đích gì?; (3) Sau khi không xin được việc thì chị T có đến hoặc trao đổi đòi lại tiền từ N không? Nếu có thì trao đổi như thế nào? N phản ứng như sao?”.

Chúng tôi thấy cách đặt câu hỏi và nêu nội dung cần điều tra trong vụ án này đạt chất lượng tốt. Sau khi ban hành YCĐT, Kiểm sát viên hết sức tránh việc nể nang, không yêu cầu Điều tra viên thực hiện nghiêm túc YCĐT của VKS. Nếu trường hợp ĐTV không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ YCĐT của VKS thì kiên quyết yêu cầu thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng nội dung và báo cáo ngay Viện trưởng, Phó Viện trưởng có biện pháp làm việc với Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT về nội dung này.

(Trích bài viết của tác giả Trần Thanh Thủy/Viện trưởng VKSND huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. TCKS số 16/2016).

Mời các bạn đón đọc bài trước: Điểm mới về kiểm sát điều tra trong BLTTHS năm 2015

Mời các bạn đón đọc bài tiếp theo: Những kinh nghiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm sát điều tra vụ án hình sự theo BLTTHS 2015