Kinh nghiệm kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự, hành chính tại phiên tòa sơ thẩm

Ngày đăng : 02:49, 14/03/2017

(Kiemsat.vn) - BLTTDS năm 2015 và Luật TTHC năm 2015 bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn mới cho Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa dân sự, hành chính. Bài viết nêu những kinh nghiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự, hành chính tại phiên tòa sơ thẩm.

Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn mới

Ngày 01/7/2016, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015 chính thức có hiệu lực thi hành. Hai đạo luật trên đều xác định vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính là cơ quan tiến hành tố tụng; Viện trưởng, Kiểm sát viên và Kiểm tra viên là người tiến hành tố tụng. Trong đó quy định quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện kiểm sát thực hiện kiểm sát việc thụ lý, kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, kiểm sát thu thập chứng cứ của Tòa án, kiểm sát quyết định đình chỉ, kiểm sát quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án, kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thực hiện quyền yêu cầu của Viện kiểm sát cung cấp hồ sơ, tài liệu trong trường hợp không tham gia phiên tòa, phiên họp. Ngoài ra, mở rộng quyền kiến nghị của Viện kiểm sát trực tiếp đối với cơ quan quản lý hoặc cấp trên khi phát hiện người bị kiện, cơ quan bị kiện vi phạm pháp luật; quyền phát biểu đánh giá các quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện có hay không vi phạm pháp luật và đặc biệt, Viện kiểm sát có quyền phát biểu quan điểm về giải quyết vụ án dân sự, hành chính.

Ảnh minh họa: Intenet

Đảm bảo cho việc giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính kịp thời, đúng pháp luật chính là mục đích hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Theo đó, khi tham gia phiên tòa, Kiểm sát viên phải tiến hành kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, Thư ký phiên toà và những người tham gia tố tụng theo đúng quy định của BLTTDS, Luật TTHC về thủ tục chuẩn bị khai mạc phiên toà, thủ tục bắt đầu phiên toà, thủ tục hỏi tại phiên toà, tranh luận, nghị án và tuyên án. Kiểm sát viên tham gia xét hỏi (Điều 249 BLTTDS năm 2011; Điều 177 Luật TTHC năm 2015), phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật (Điều 262 BLTTDS; Điều 190 Luật TTHC năm 2015). Sau khi tuyên án, nếu thấy cần thiết phải kiểm sát việc ghi biên bản phiên tòa thì Kiểm sát viên yêu cầu Hội đồng xét xử cho xem biên bản phiên toà (Khoản 4 Điều 236 BLTTDS; khoản 4 Luật TTHC năm 2015).

Theo Điều 27 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật: “(4). Tham gia phiên tòa, phiên họp, phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân về việc giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật. (6) Kiểm sát hoạt động tố tụng của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật; (8). Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật”. Vì vậy, mỗi Kiểm sát viên phải đề cao ý thức trách nhiệm của mình đối với công việc được giao; tăng cường việc nghiên cứu, học tập, kiến thức pháp luật rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa xét xử các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính.

Một số kinh nghiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ

Nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên tòa xét xử các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính theo yêu cầu cải cách tư pháp và Luật Tổ chức VKSND năm 2014; nâng cao vai trò trách nhiệm của Kiểm sát viên trong phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự, hành chính, chúng tôi nêu những kinh nghiệm từ thực tiễn công tác sau đây:

Trước hết, khi tham gia phiên toà, Kiểm sát viên cần phải chuẩn bị cho mình tác phong đàng hoàng, đĩnh đạc, trang phục gọn gàng, trang nghiêm, đúng quy định của ngành, trình bày rõ ràng, mạch lạc… Tuy nhiên, vấn đề quan trọng chính là “tâm thế”, tức là trạng thái bên trong của Kiểm sát viên mới mang tính quyết định. Nếu Kiểm sát viên có sự chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, nắm vững hồ sơ vụ án, nắm vững các quy định pháp luật, trạng thái tinh thần, sức khoẻ tốt thì tính chủ động, linh hoạt, nhạy bén, tự tin sẽ thể hiện ra bên ngoài qua tác nghiệp tại phiên toà. Ngược lại, sức khỏe không tốt, việc nghiên cứu hồ sơ còn sơ sài, còn vướng mắc, chưa tự tin thì trang phục bên ngoài có kỹ càng bao nhiêu thì chắc chắn bản lĩnh và sức chiến đấu tại phiên toà cũng bị ảnh hưởng rất nhiều, vai trò của Kiểm sát viên vì vậy mà cũng bị giảm sút.

Thứ hai, Kiểm sát viên phải nghiên cứu tính chất vụ án để dự kiến trước các tình huống phát sinh có thể xảy ra tại phiên toà và đường lối xử lý; chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu cần thiết để sử dụng trong quá trình tác nghiệp tại phiên toà, luôn giữ vai trò chủ động. Đặc biệt, với các vụ án phức tạp, có nhiều Luật sư tham gia hay có nhiều đương sự thường khiếu nại, khiếu kiện kéo dài thì Kiểm sát viên cần phải lưu ý có sự chuẩn bị chu đáo hơn nữa, đặt ra nhiều tính huống để chủ động ứng phó…

Qua thực tiễn nghiên cứu hồ sơ kiểm sát các vụ án dân sự, hành chính thấy rằng việc không lập dự thảo kế hoạch tham gia xét hỏi và đặc biệt các biên bản theo dõi phiên toà ghi chép rất sơ sài, không thể hiện được diễn biến của phiên toà. Để thực hiện tốt việc xét hỏi thì Kiểm sát viên cần phải lập kế hoạch xét hỏi với các câu hỏi dự kiến và phải tiến hành ghi chép đầy đủ ngay từ khi bắt đầu phiên toà. Đặc biệt trong phần xét hỏi và tranh luận thì Kiểm sát viên ghi chép càng đầy đủ, chi tiết càng tốt, bởi thực tế không có gì khẳng định được rằng chúng ta sẽ nhớ hết tất cả các câu hỏi, câu trả lời và các ý kiến trình bày của đương sự trong suốt quá trình xét hỏi, tranh luận, do đó ghi chép đầy đủ và có sự đối chiếu với các tài liệu chứng cứ khác, đối chiếu với danh sách câu hỏi dự kiến sẽ giúp Kiểm sát viên rà soát, tìm ra những mâu thuẫn, những điểm cần làm sáng tỏ, kịp thời bổ sung các câu hỏi phát sinh để tiến hành xét hỏi tại phiên tòa, cũng như loại bỏ các câu hỏi  trùng lặp.

Đặc biệt trong thứ tự xét hỏi, Kiểm sát viên là người hỏi cuối cùng, do đó, ngoài việc ghi chép đầy đủ nội dung xét hỏi, Kiểm sát viên cũng cần chú ý đến cách đặt câu hỏi của HĐXX, Luật sư… nếu có những câu hỏi mang tính định hướng cho đương sự hay định hướng nội dung vụ án theo một đường lối xử lý thiên lệch… thì Kiểm sát viên cần đặt những câu hỏi có tính phản biện hoặc mang tính chất gợi mở để đương sự chủ động trình bày quan điểm của mình nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.

Thứ ba, việc ghi chép đầy đủ nội dung xét hỏi và tranh luận cũng là cơ sở để Kiểm sát viên củng cố quan điểm giải quyết vụ án, bổ sung nội dung bản phát biểu ý kiến tại phiên tòa. Đây cũng là cơ sở để Kiểm sát viên đối chiếu khi tiến hành kiểm sát biên bản phiên tòa nhằm kịp thời yêu cầu Toà án bổ sung, sửa chữa nếu có thiếu sót nhằm đảm bảo biên bản phiên toà phản ánh đầy đủ, trung thực diễn tiến phiên toà. Thậm chí có những trường hợp bút ký phiên toà còn giúp chúng ta giải quyết được những tình huống bất ngờ khác.

Thứ tư, thực tiễn qua nhiều phiên toà sơ thẩm ở cấp quận huyện, khi tham gia xét hỏi các Kiểm sát viên chỉ tập trung vào nội dung vụ án mà dường như quên mất vai trò kiểm sát tố tụng của mình ở phần này, trong phần xét hỏi của Kiểm sát viên đa số không có câu hỏi nào liên quan đến các vấn đề tố tụng trong vụ án, trong khi có những vấn đề về tố tụng cần làm rõ như: Quyền yêu cầu của đương sự? phạm vi khởi kiện? đối tượng khởi kiện? quan hệ pháp luật?…

Thực tế cũng cho thấy có phiên tòa, vì lý do nào đó, có đương sự không thể đến đúng giờ khai mạc, phiên tòa đã thực hiện xong phần thủ tục, Chủ tọa đã thực hiện xong việc giải thích các quyền, nghĩa vụ cho các đương sự, do đó, đương sự đến sau đã không được nghe giải thích về quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình và HĐXX cũng không phổ biến lại. Trong trường hợp này, Kiểm sát viên cần hỏi đương sự về việc có biết các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình tại phiên toà để thực hiện hay không? Có cần được phổ biến lại để hiểu và thực hiện đúng hay không? hoặc rất phổ biến đối với các vụ án có đồng nguyên đơn hay đồng bị đơn là vợ chồng, quá trình xét hỏi, thông thường Chủ toạ hỏi ai là người đại diện trình bày và chỉ yêu cầu người đại diện tham gia xét hỏi mà không đề cập đến người còn lại. Trường hợp này Kiểm sát viên cần đặt câu hỏi với người còn lại xem họ có muốn được tham gia xét hỏi hay không? Có đồng ý hay bổ sung gì với lời trình bày của người kia hay không?

Cũng theo quy định pháp luật TTDS, TTHC, đương sự có quyền và nghĩa vụ tự bảo vệ mình thông qua việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng tại Toà án… để kiểm sát quá trình này, Kiểm sát viên có quyền đặt câu hỏi đối với các đương sự về việc Toà án có đảm bảo cho đương sự được thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự của họ trong suốt quá trình giải quyết vụ án hay không? Bên cạnh đó với những vụ án mà đương sự có thái độ chấp hành pháp luật không tốt, không hợp tác với Tòa án như không chấp hành triệu tập của Toà án, từ chối tham gia các hoạt động tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án thì Kiểm sát viên cũng cần có câu hỏi xác định lại sự việc trước khi phát biểu quan điểm về việc chấp hành pháp luật của đương sự.

Thứ năm, thực tế cho thấy, tại phiên toà, Kiểm sát viên chỉ mới chú trọng phát biểu ý kiến về việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng và hầu như bỏ qua việc chấp hành pháp luật tố tụng của những người tham gia tố tụng. Ví dụ, trường hợp đương sự không chấp hành đúng yêu cầu triệu tập của Toà án, đến phiên toà trễ không báo trước lý do làm chậm trễ thời gian mở phiên tòa, hay đương sự không chấp hành sự điều hành của chủ tọa phiên toà, gây rối trật tự phiên toà… nhưng trong phần phát biểu, Kiểm sát viên không phát biểu ý kiến về những sai phạm này.

Điều 262 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Điều 190 Luật TTHC năm 2015 bổ sung tại phiên tòa sơ thẩm Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.

Về cách thức trình bày Bản phát biểu, hiện nay các Bản phát biểu được xây dựng thống nhất theo mẫu do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành bài phát biểu của Kiểm sát viên cần lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật thì sẽ có giá trị thuyết phục hơn, vai trò, trách nhiệm, uy tín của Viện kiểm sát mới được nâng cao.

Mai Văn Sinh

VKSND tỉnh Đồng Nai

Nguồn: TCKS số 15/2016.