Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, công khai chứng cứ dân sự

Ngày đăng : 11:23, 07/04/2017

(Kiemsat.vn) - BLTTDS năm 2015 đã quy định về thông báo, thành phần, trình tự và biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ. Khác với pháp luật của các nước trên thế giới, phiên họp này được tiến hành cùng với phiên hòa giải.

BLTTDS năm 2015 đã bổ sung 4 điều luật (1) về “Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ”. Theo đó, BLTTDS năm 2015 đã quy định về thông báo, thành phần, trình tự và biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ. Song, khác với pháp luật của các nước trên thế giới, phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ theo BLTTDS năm 2015 được tiến hành cùng với phiên hòa giải.

Ảnh minh họa: Internet

Theo đó, qua phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, nếu các đương sự thoả thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án dân sự thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành và trên cơ sở đó Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Quy định này có ưu điểm là tránh việc lặp lại nội dung của phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và phiên hòa giải, tránh cho việc các đương sự phải đến Tòa án nhiều lần, tiết kiệm chi phí tố tụng cho cả Tòa án và đương sự.

Tuy nhiên, đối với trường hợp, qua phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, nếu các đương sự không thoả thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án dân sự thì giá trị pháp lý biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải chưa được quy định cụ thể. Trong khi đó, khoản 3 Điều 200 và khoản 2 Điều 201 BLTTDS năm 2015 quy định: Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Trên thực tế, để giải quyết vụ án dân sự, Tòa án có thể tiến hành nhiều phiên hòa giải (nếu thời hạn chuẩn bị xét xử còn), vì vậy, BLTTDS cần quy định rõ bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải cuối cùng.

Đồng thời, để phù hợp với quy định tại Điều 96, Điều 211 BLTTDS năm 2015 cần quy định rõ qua phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, nếu các đương sự không thoả thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án dân sự thì Thẩm phán sẽ ra ngay quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.

Mục đích của phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải nhằm xác định yêu cầu và phạm vi khởi kiện, việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập; những vấn đề đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết; tài liệu, chứng cứ đã giao nộp cho Tòa án và việc gửi tài liệu, chứng cứ cho đương sự khác; bổ sung tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ; yêu cầu Tòa án triệu tập đương sự khác, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa. Như vậy, về nguyên tắc sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải cuối cùng các đương sự không có quyền cung cấp chứng cứ, không có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu. Tuy nhiên, theo quy định của BLTTDS năm 2015, tại phiên tòa sơ thẩm Hội đồng xét xử vẫn chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu (2). Như vậy, sau khi kết thúc phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải và đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm mà các đương sự mới thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ và việc thay đổi, bổ sung này là vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu thì Tòa án có chấp nhận không? Đây là vấn đề mà BLTTDS năm 2015 chưa quy định cụ thể.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 203 BLTTDS năm 2015, trong thời hạn 1 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 2 tháng. Về phương diện lý luận, giai đoạn này còn được gọi là giai đoạn chuẩn bị cho việc mở phiên tòa sơ thẩm dân sự. Tuy nhiên, như BLTTDS năm 2004, BLTTDS năm 2015 không quy định về những thủ tục tố tụng mà Toà án và những việc các bên đương sự có quyền thực hiện trong giai đoạn này. Do đó, trong giai đoạn này các đương sự có quyền được thay đổi, bổ sung yêu cầu hay không hoặc ra các quyết định tố tụng khác hay không là vấn đề còn có các cách hiểu và giải quyết khác nhau. Trên thực tế, khi áp dụng BLTTDS năm 2004, có trường hợp Thẩm phán vẫn tiếp nhận các chứng cứ mới do đương sự giao nộp hoặc thực hiện việc thu thập chứng cứ hoặc ra quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự trong giai đoạn này.

Theo tác giả, sau khi phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải cuối cùng kết thúc, nếu các đương sự không thoả thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án dân sự thì Toà án đã ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm; trong trường hợp này, hồ sơ vụ án đã được “chốt”. Để bảo đảm thực hiện nguyên tắc tranh tụng thì mọi tình huống phát sinh sau khi Toà án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phải được giải quyết tại phiên tòa sơ thẩm dân sự. Vì vậy, Nghị quyết hướng dẫn thi hành BLTTDS năm 2015 cần hướng dẫn khoản 1 Điều 244 theo hướng: “Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập được đưa ra trước khi Tòa án đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm”.

Chú thích

(1) Điều 208 đến Điều 211 BLTTDS năm 2015.

(2) Điều 244 BLTTDS năm 2015.

(Trích bài Thời hạn giao nộp chứng cứ của đương sự và phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ theo quy định của BLTTDS năm 2015 của Ts. Bùi Thị Huyền – Trường Đại học Luật Hà Nội. TCKS số 10/2016).

Bài viết có liên quan: Thời hạn giao nộp chứng cứ của đương sự