Chế tài nào cho người sản xuất, kinh doanh rượu chứa methanol?

Ngày đăng : 12:46, 12/03/2017

(Kiemsat.vn) - “Ngộ độc rượu”, “ngộ độc methanol” là từ khóa xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông thời gian gần đây. Hàng loạt các trường hợp bệnh nhân hôn mê thậm chí tử vong do uống rượu chứa methanol. Vậy pháp luật hiện nay có những chế tài nào để xử lý hành vi sử dụng methanol trong sản xuất rượu?

Methanol là một chất được sử dụng rộng rãi trong sản xuất sơn, chất tẩy sơn, dung môi trong công nghiệp,… có tính chất là loại rượu đơn giản nhất, chất lỏng không màu, dễ cháy. Đặc biệt, methanol có mùi vị đặc trưng rất giống với ethanol – loại rượu uống được nên khó phân biệt rượu methanol hay rượu chứa ethanol. Theo tài liệu từ Trung tâm chống độc – Bệnh việc Bạch Mai: Khi uống rượu methanol, “cơ thể chúng ta chuyển hóa methanol thành phóc-man-đê-hít (formaldehyde) và tiếp đến là axit pho-míc (formic acid) tấn công não bộ, mắt, dây thần kinh thị giác và các bộ phận bằng mô mềm khác như thận và gan. 10ml trộn vào đồ ống là đủ để gây ra mù vĩnh viễn; 30ml (1 ngụm) có thể gây chết người”. Vì vậy, đây là chất có độc tính cao, bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm, pha chế rượu.

Ảnh: internet

Theo quy định của pháp luật hiện hành, sử dụng methanol trong sản xuất rượu là hành vi thuộc nhóm các hành vi vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo điểm b khoản 5 Điều 5 Luật an toàn thực phẩm năm 2010, một trong những hành vi bị cấm trong an toàn thực phẩm là: sản xuất, kinh doanh “Thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc, tác nhân gây ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép” và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. Chế tài xử lý các hành vi vi phạm này được quy định tại Điều 7 Nghị định số 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Điều 224 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009.

Điều 7 Nghị định số 178/2013/NĐ-CP quy định hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng hóa chất trong sản xuất, chế biến thực phẩm tại các khoản 3, 4 như sau:
“3. Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm.
4. Phạt tiền bằng 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 3 Điều này nếu mức tiền phạt cao nhất của khung tiền phạt quy định tại Khoản 3 Điều này thấp hơn 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm.”

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức có hành vi này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 06 tháng đến 12 tháng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.
Về trách nhiệm hình sự, Điều 224 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định phạt tù từ 1 năm đến 5 năm đối với tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm như sau:

Điều 244. Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm
1. Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.

Ngọc Nga

Ảnh: Internet