Bổ sung 05 đối tượng không được làm người bào chữa
Ngày đăng : 10:01, 03/03/2017
Tương tự như BLTTHS năm 2003, BLTTHS 2015 quy định những người sau không được làm người bào chữa: Người đã tiến hành tố tụng vụ án đó, người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó, người tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch.
Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 bổ sung thêm 05 đối tượng không được làm người bào chữa: Người tham gia vụ án với tư cách là người định giá tài sản, người dịch thuật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc (Điều 72).
Bổ sung một đối tượng được quyền bào chữa là trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý theo Luật Trợ giúp pháp lý, đó là người nghèo, người có công với cách mạng, người già từ đủ 60 tuổi trở lên sống cô đơn, không nơi nương tựa, người khuyết tật, người bị nhiễm chất độc hóa học, bị nhiễm HIV mà không có nơi nương tựa, trẻ em dưới 16 tuổi không có nơi nương tựa…
(Ảnh minh họa – Internet)
Bổ sung thêm là người thân thích của người bị buộc tội cũng có quyền mời người bào chữa. Người thân thích gồm vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột.
Anh Minh