Những hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng CSDL về thi hành tạm giữ, tạm giam
Ngày đăng : 10:13, 08/12/2017
Ngày 06/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số: 121/2017/NĐ-CP quy định xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam. Theo đó, cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam là tập hợp thông tin về tình hình, kết quả thi hành tạm giữ, tạm giam và các thông tin cơ bản về người bị tạm giữ, người bị tạm giam do Bộ Công an thống nhất quản lý. Đây là một bộ phận của cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin phòng, chống tội phạm nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về thi hành tạm giữ, tạm giam.
Nghị định cũng đã quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam gồm:
1. Cố tình làm sai lệch thông tin, cung cấp thông tin sai lệch.
2. Tự ý lập, tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch thông tin, tài liệu.
3. Cố tình sử dụng sai mục đích kết quả thu thập, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam xâm phạm quyền tự do, danh dự, đời tư và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và nhà nước theo quy định của pháp luật.
4. Chiếm đoạt, làm hỏng, mất tài liệu, mua bán, chuyển giao, tiêu hủy trái phép thông tin, tài liệu.
5. Truy cập trái phép, thay đổi, giả mạo, sao chép, tiết lộ, gửi, hủy trái phép tài liệu lưu trữ điện tử, tạo ra hoặc phát tán chương trình phần mềm làm rối loạn hoặc hủy hoại thông tin và cơ sở dữ liệu.
Ngoài việc quy định về xây dựng, quản lý, tại Điều 12 Nghị định cũng quy định cụ thể đối tượng được khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam, bao gồm: Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam; Cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam; Cơ quan kiểm sát thi hành tạm giữ, tạm giam; Cơ quan tiến hành tố tụng và người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam cũng phải cần đảm bảo các nguyên tắc quan trọng, đó là:
1. Các cơ quan tham gia xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam được quyền khai thác dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình. Việc khai thác cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam ngoài phạm vi quản lý phải được cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam có thẩm quyền phê duyệt; nếu trong thời gian điều tra, truy tố, xét xử phải được cơ quan thụ lý vụ án đồng ý bằng văn bản.
2. Trường hợp các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có yêu cầu tra cứu, cung cấp thông tin, tài liệu lưu trữ về người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong cơ sở dữ liệu về thi hành tạm giữ, tạm giam thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và Luật lưu trữ; nếu trong thời gian điều tra, truy tố, xét xử phải được cơ quan thụ lý vụ án đồng ý bằng văn bản.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.
Hoài Thương.
Phòng 8, VKSND thành phố Cần Thơ