Mức tiền nộp để đảm bảo thi hành án của pháp nhân thương mại

Ngày đăng : 01:42, 19/10/2017

(Kiemsat.vn) - Tiền nộp để bảo đảm thi hành án gồm có tiền nộp để bảo đảm thi hành án phạt tiền và tiền nộp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ bồi thường.

Ngày 16/10/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 115/2017/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục và mức tiền mà pháp nhân thương mại bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử phải nộp để bảo đảm thi hành án (bao gồm thi hành hình phạt tiền và thi hành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại), việc tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp để đảm bảo thi hành án.

Mức tiền nộp để đảm bảo thi hành án của pháp nhân thương mại

Nghị định 115/2017/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục và mức tiền mà pháp nhân thương mại bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử phải nộp để bảo đảm thi hành án (Ảnh từ internet)

Theo Nghị định, pháp nhân thương mại bị áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc phải nộp một khoản tiền để đảm bảo thi hành án, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan khác.

Nghị định 115/2017/NĐ-CP gồm 4 Chương và 11 Điều, trong đó quy định: Mức tiền nộp để đảm bảo thi hành án; Trình tự, thủ tục nộp tiền để đảm bảo thi hành án và tạm giữ, hoàn trả, nộp NSNN số tiền đã nộp để bảo đảm thi hành án.

Mức tiền nộp để bảo đảm thi hành án, tiền được nộp để bảo đảm thi hành án là tiền Việt Nam đồng hoặc ngoại tệ thuộc sở hữu hợp pháp của pháp nhân thương mại bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Tiền nộp để bảo đảm thi hành án gồm có tiền nộp để bảo đảm thi hành án phạt tiền và tiền nộp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ bồi thường.

Mức tiền nộp để bảo đảm thi hành án phạt tiền do cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền quyết định trong từng trường hợp cụ thể nhưng không dưới 50% và không cao hơn mức phạt tiền cao nhất quy định tại điều khoản được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại.

Mức tiền nộp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại được quy định như sau:

– Nếu điều khoản được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại có tình tiết quy định mức thiệt hại về tài sản thì mức tiền nộp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ bồi thường do cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền quyết định trong từng trường hợp cụ thể nhưng không dưới 50% và không cao hơn mức thiệt hại cao nhất về tài sản quy định tại điều khoản đó.

–  Nếu trong điều khoản được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại không có tình tiết quy định mức thiệt hại về tài sản thì tùy từng trường hợp, cơ quan tiến hành tố tụng đang giải quyết vụ án có thể áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để xác định mức thiệt hại làm cơ sở cho việc quyết định mức tiền cụ thể mà pháp nhân thương mại phải nộp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ bồi thường. Mức tiền nộp được quyết định trong từng trường hợp cụ thể nhưng không cao hơn mức thiệt hại thực tế đã được xác định.

Nghị định có hiệu lực từ 01/01/2018.

Đan Thanh

(giới thiệu)

Xem thêm>>>

Lưu ý khi phúc tra kháng nghị, kiến nghị trong kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự

Thi hành án dân sự tại trại giam: Lúng túng xử lý tiền thu hồi