Những trường hợp không được bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự
Ngày đăng : 10:43, 31/08/2017
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Điều 32 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định rõ các trường hợp nằm ngoài phạm vi bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự như sau:
Thứ nhất, nhà nước không bồi thường thiệt hại khi người bị truy cứu trách nhiệm hình sự thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Tại Điều 29 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thì các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự bao gồm:
Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Khi có quyết định đại xá.
Trong trường hợp khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình, do mắc bệnh hiểm nghèo mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội.
Nếu người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận thì được miễn trách nhiệm hình sự.
Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Thứ hai, khi có thiệt hại xảy ra do người bị thiệt hại khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng sai sự thật để nhận tội thay cho người khác hoặc để che giấu tội phạm thì không được bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự.
Thứ ba, người có hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu rõ ràng cấu thành tội phạm, bị khởi tố, truy tố trong vụ án hình sự được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nhưng vụ án đã được đình chỉ do người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không được bồi thường.
Cuối cùng, Nhà nước không bồi thường khi thiệt hại do người bị khởi tố, truy tố, xét xử đúng với các văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm khởi tố, truy tố, xét xử nhưng tại thời điểm ra bản án, quyết định thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự theo các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và có hiệu lực sau ngày khởi tố, truy tố, xét xử.
Bên cạnh đó luật cũng quy định, trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, Nhà nước không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi người thi hành công vụ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo đúng yêu cầu của người yêu cầu mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba.
Người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Đan Thanh
(Giới thiệu)