Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017: Mở rộng đối tượng được phục hồi danh dự

Ngày đăng : 03:37, 09/08/2017

(Kiemsat.vn) - So với Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 (Luật TNBTNN), Luật TNBTCNN năm 2017 đã mở rộng đối tượng được phục hồi danh dự, bổ sung thêm các trường hợp được phục hồi danh dự.

Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018 (Luật TNBTNN 2017), thay thế cho Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 (Luật TNBTNN 2009).

Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017: Mở rộng đối tượng được phục hồi danh dự Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Tại khoản 1 Điều 51 Luật TNBTCNN 2009 quy định về khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự: “Người bị thiệt hại quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 26 của Luật này hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu khôi phục danh dự trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật.”

Việc xin lỗi, cải chính công khai được thực hiện bằng các hình thức sau đây:

-Trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại có sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú, đại diện của cơ quan nơi người bị thiệt hại làm việc, đại diện của một tổ chức chính trị – xã hội mà người bị thiệt hại là thành viên;

– Đăng trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp theo yêu cầu của người bị thiệt hại hoặc đại diện hợp pháp của họ.

Theo quy định trên, việc phục hồi danh dự chỉ được áp dụng đối với các trường hợp người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng Hình sự.

Bất cập trong phục hồi danh dự theo Luật TNBTCNN 2009

Quy định này dẫn đến sự không công bằng giữa người bị thiệt hại trong các lĩnh vực khác, đặc biệt là trong hoạt động quản lý hành chính đối với trường hợp công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật; người bị áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc trái pháp luật.

Thời gian yêu cầu khôi phục danh dự trong thời hạn 03 tháng là chưa bảo đảm sự nhanh chóng và kịp thời giải tỏa bức xúc của người bị thiệt hại và dư luận xã hội; chưa quy định cụ thể trình tự, thủ tục phục hồi danh dự cho người bị thiệt hại dẫn đến tình trạng việc tổ chức xin lỗi, cải chính công khai qua loa, chiếu lệ, không thống nhất như báo chí phản ánh trong thời gian vừa qua.

Luật TNBTNN chưa có quy định thành phần tham gia xin lỗi dẫn đến tình trạng là trong nhiều trường hợp, do đặc thù của hoạt tố tụng nên việc làm oan người vô tội có thể là lỗi của nhiều cơ quan tiến hành tố tụng nhưng cơ quan đứng ra xin lỗi chỉ là cơ quan giải quyết bồi thường.

Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017: Mở rộng đối tượng được phục hồi danh dự Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Luật TNBTCNN 2017 đã mở rộng đối tượng, bổ sung thêm các trường hợp sau được phục hồi danh dự, bao gồm:

– Người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự;

– Trường hợp bị buộc thôi việc trái pháp luật, bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc trái pháp luật (khoản 1, 2 Điều 56 Luật TNBTCNN năm 2017).

Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017: Mở rộng đối tượng được phục hồi danh dự Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)

Bện cạnh đó, Luật TNBTCNN năm 2017 sửa đổi, bổ sung quy định về hình thức phục hồi danh dự (Điều 56), trong đó, quy định rõ các hình thức phục hồi danh dự tương ứng với từng đối tượng được bồi thường, cụ thể:

– Trực tiếp xin lỗi và cải chính công khai tại nơi cư trú trong trường hợp người bị thiệt hại là cá nhân hoặc tại nơi đặt trụ sở trong trường hợp người bị thiệt hại là pháp nhân thương mại;

– Đăng báo xin lỗi và cải chính công khai.

Việc phục hồi danh dự đối với cá nhân là người bị thiệt hại trong trường hợp bị buộc thôi việc trái pháp luật, bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện bằng hình thức đăng báo xin lỗi và cải chính công khai.

Anh Minh
(giới thiệu)