05 trường hợp được xác định là trẻ em bị xâm hại tình dục
Ngày đăng : 09:53, 15/05/2017
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật trẻ em. Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017. Theo đó, trẻ em được coi là bị xâm hại tình dục trong các trường hợp sau:
– Trẻ em bị hiếp dâm;
– Trẻ em bị cưỡng dâm;
– Trẻ em bị giao cấu;
– Trẻ em bị dâm ô;
– Trẻ em bị sử dụng vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.
Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)
Nhiệm vụ của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em:
– Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em qua điện thoại do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý. Hoạt động 24 giờ tất cả các ngày, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động. Được sử số điện thoại ngắn 03 số.
– Tiếp nhận thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân qua điện thoại.
– Liên hệ với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan hoặc có thẩm quyền; khai thác thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng, môi trường mạng về nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em để kiểm tra thông tin, thông báo, tố giác ban đầu.
– Chuyển, cung cấp thông tin, thông báo, tố giác hoặc giới thiệu trẻ em có nguy cơ hoặc bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em.
– Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, cá nhân có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em trong phạm vi toàn quốc để đáp ứng việc tiếp nhận, trao đổi, xác minh thông tin, thông báo, tố giác về trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi.
– Hỗ trợ người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với từng trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi; theo dõi, đánh giá việc xây dựng và thực hiện kế hoạch này.
– Tư vấn tâm lý, pháp luật, chính sách cho trẻ em, cha, mẹ, thành viên gia đình, người chăm sóc trẻ em.
– Lưu trữ, phân tích, tổng hợp thông tin để cung cấp, thông tin, thông báo, tố giác khi có yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, đối với vụ việc xâm hại trẻ em và các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất cho cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em và các cơ quan khác có thẩm quyền, trách nhiệm về bảo vệ trẻ em.
Ảnh mang tính minh họa (nguồn internet)
Ngoài ra, Nghị định 56 cũng quy định một số các thông tin về bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em sau đây cũng phải được bảo vệ trên môi trường mạng:
– Tên, tuổi, đặc điểm nhận dạng cá nhân, hình ảnh cá nhân;
– Tài sản cá nhân; Thông tin về nơi ở, quê quán, trường, lớp, kết quả học tập…
Anh Minh