7 lưu ý đặc biệt cho thí sinh sơ tuyển trường quân đội

Ngày đăng : 05:27, 17/02/2017

Năm 2017, các học viện, trường trong quân đội tiếp tục thực hiện tuyển sinh theo phương án: Sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng quân sự.
7 lưu ý đặc biệt cho thí sinh sơ tuyển trường quân đội
     Tuyển sinh trường quân đội

Ngày 16-2, Trung tướng Phan Văn Giang, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng, đã ký Công văn số 05/TSQS-NT của Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng về việc Hướng dẫn đăng ký sơ tuyển vào đại học, cao đẳng quân sự và đăng ký dự kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2017.

Dưới đây là những thông tin thí sinh cần phải đặc biệt lưu ý khi dự thi vào khối các trường quân đội:

I. Tổ chức sơ tuyển đại học, cao đẳng

1. Đối tượng tuyển sinh

a) Đào tạo đại học quân sự

– Hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự, có thời gian phục vụ tại ngũ 12 tháng trở lên (tính đến tháng 4 năm tuyển sinh); Quân nhân chuyên nghiệp; Công nhân viên quốc phòng phục vụ trong quân đội đủ 12 tháng trở lên (tính đến tháng 9 năm tuyển sinh).

Các đối tượng quy định tại mục này, nếu có nguyện vọng đăng ký dự tuyển, các đơn vị tổ chức sơ tuyển, lập hồ sơ sơ tuyển những trường hợp đủ tiêu chuẩn, nộp cho các trường theo đúng quy trình, nhưng phải bảo đảm đủ quân số thực hiện nhiệm vụ và sẵn sàng chiến đấu

– Nam thanh niên ngoài quân đội (kể cả quân nhân đã xuất ngũ), số lượng đăng ký dự tuyển không hạn chế.

– Nữ thanh niên ngoài quân đội và nữ quân nhân:

+ Tuyển 10% chỉ tiêu cho các ngành: Bác sĩ quân y tại Học viện Quân y và các ngành: Quan hệ quốc tế về quốc phòng, ngoại ngữ tại Học viện Khoa học quân sự;

+ Tuyển không quá 06% trên tổng chỉ tiêu vào đào tạo các ngành: Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Điện tử Y sinh, Khí tài quang, Địa tin học tại Học viện Kỹ thuật quân sự.

b) Đào tạo cao đẳng quân sự

– Đào tạo cao đẳng ngành Kỹ thuật Hàng không tại Trường Sĩ quan Không quân: Đối tượng tuyển sinh thực hiện như đào tạo đại học quân sự;

– Đào tạo cao đẳng ngành Văn thư lưu trữ tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội: Tuyển thí sinh nam, nữ là quân nhân tại ngũ, công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội.

2. Vùng tuyển sinh

a) Đối với Trường Sĩ quan Lục quân 1 và Trường Sĩ quan Lục quân 2

– Trường Sĩ quan Lục quân 1: Tuyển thí sinh từ tỉnh Quảng Trị trở ra;

– Trường Sĩ quan Lục quân 2: Tuyển thí sinh từ tỉnh Thừa Thiên – Huế trở vào;

– Thí sinh các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế tùy theo nguyện vọng, được đăng ký dự tuyển vào một trong hai trường Sĩ quan Lục quân 1 và Sĩ quan Lục quân 2;

– Thí sinh dự tuyển vào Trường Sĩ quan Lục quân 2 phải có hộ khẩu thường trú phía Nam (từ tỉnh Quảng Trị trở vào), thời gian có hộ khẩu thường trú phía Nam (tính đến tháng 9 năm dự tuyển) phải đủ ba năm thường trú liên tục trở lên, có ít nhất năm lớp 12 học và dự thi tốt nghiệp THPT tại các tỉnh phía Nam.

b) Đối với các trường còn lại: Tuyển thí sinh trên phạm vi cả nước.

c) Thí sinh có hộ khẩu thường trú phía Nam được tính từ Quảng Trị trở vào. Thời gian được tính hộ khẩu thường trú phía Nam tính đến tháng 9 năm dự tuyển phải đủ ba năm thường trú liên tục trở lên.

d) Ban TSQS các đơn vị, địa phương lập danh sách những thí sinh có hộ khẩu thường trú phía Nam nhưng không đủ điều kiện được tính điểm chuẩn theo khu vực phía Nam, bàn giao cho các học viện, trường cùng với hồ sơ đăng ký sơ tuyển của thí sinh.

3. Về hồ sơ

– Mỗi thí sinh phải làm hai loại hồ sơ riêng biệt: một bộ hồ sơ đăng ký sơ tuyển do Ban TSQS Bộ Quốc phòng phát hành, một bộ hồ sơ đăng ký dự Kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD&ĐT phát hành;

– Mẫu biểu hồ sơ sơ tuyển: Ban TSQS Bộ Quốc phòng phát hành hồ sơ sơ tuyển thống nhất như năm 2016.

4. Đăng ký sơ tuyển

– Thí sinh là thanh niên ngoài Quân đội đăng ký sơ tuyển và mua hồ sơ sơ tuyển tại Ban TSQS cấp huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi chung là Ban TSQS cấp huyện); thí sinh là quân nhân đang tại ngũ đăng ký sơ tuyển và mua hồ sơ sơ tuyển tại đơn vị cấp trung đoàn hoặc tương đương (gọi chung là Ban TSQS cấp trung đoàn);

– Khi đăng ký sơ tuyển, thí sinh phải đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào trường nộp hồ sơ sơ tuyển; các nguyện vọng còn lại thí sinh đăng ký vào các trường ngoài Quân đội hoặc hệ dân sự của các trường Quân đội, thực hiện đăng ký theo quy định của Bộ GD & ĐT;

– Các trường Quân đội và trường Công an đều chỉ xét tuyển đối với thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất), Ban TSQS cấp huyện thông báo rộng rãi, hướng dẫn thí sinh chỉ làm hồ sơ sơ tuyển vào 1 trong 2 khối trường (thí sinh đã tham gia sơ tuyển vào các trường thuộc Bộ Công an thì không tham gia sơ tuyển vào các trường thuộc Bộ Quốc phòng) và chủ động phối hợp với Phòng Công an cấp huyện để đối chiếu danh sách.

5. Kê khai và nộp hồ sơ sơ tuyển

– Thí sinh phải tự mình viết kê khai các mẫu biểu, hồ sơ đăng ký sơ tuyển và trực tiếp đến nộp hồ sơ đăng ký sơ tuyển theo đúng thời gian quy định tại Ban TSQS cấp huyện (đối với thanh niên ngoài Quân đội) hoặc tại Ban TSQS cấp trung đoàn (đối với quân nhân đang tại ngũ);

– Do mỗi trường có các tiêu chuẩn khác nhau, nhất là về tiêu chuẩn sức khỏe, vì vậy thí sinh phải đăng ký sơ tuyển và đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào một trường Quân đội và chỉ được đăng ký một nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) ngay từ khi sơ tuyển.

– Trong hồ sơ đăng ký sơ tuyển TSQS, các thí sinh thuộc diện được cộng điểm ưu tiên theo đối tượng, nộp 01 giấy chứng nhận được hưởng ưu tiên hợp lệ, đối tượng là con thương binh, con bệnh binh, con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh”, phải có bản photocopy có công chứng Giấy chứng nhận thương binh, bệnh binh.v.v…

– Khi đến nộp hồ sơ đăng ký sơ tuyển TSQS, thí sinh phải mang theo giấy chứng minh nhân dân (hoặc thẻ căn cước công dân), sổ hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân khác để cán bộ thu hồ sơ đối chiếu (năm 2017, thí sinh không phải nộp bản sao học bạ THPT hoặc bản sao trích lục học bạ THPT).

6. Tiêu chuẩn sức khỏe và tổ chức khám sơ tuyển sức khỏe

a) Tiêu chuẩn sức khỏe

– Tuyển chọn thí sinh (cả nam và nữ) đạt Điểm 1 và Điểm 2 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự ở các chỉ tiêu: Nội khoa, tâm thần kinh, ngoại khoa, da liễu, mắt (trừ tật khúc xạ cận thị có quy định riêng), tai – mũi – họng, răng – hàm – mặt, vòng ngực;

– Một số tiêu chuẩn quy định riêng cho từng đối tượng, như sau:

+ Các trường đào tạo sĩ quan chỉ huy, chính trị, hậu cần, gồm các học viện: Hậu cần, Phòng không – Không quân, Hải quân, Biên phòng và các trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Pháo binh, Công binh, Tăng – Thiết giáp, Thông tin, Đặc công, Phòng hóa:

* Thể lực: Thí sinh nam cao từ 1,65 m trở lên, cân nặng từ 50 kg trở lên;

* Mắt: Không tuyển thí sinh mắc tật khúc xạ cận thị.

+ Các trường đào tạo sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, gồm các học viện: Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự; Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội; Hệ đào tạo kỹ sư hàng không thuộc Học viện Phòng không – Không quân; Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự (Vin-Hem Pich):

* Thể lực: Thí sinh nam cao từ 1,63 m trở lên, cân nặng từ 50 kg trở lên; thí sinh nữ (nếu có) phải đạt Điểm 1 (cao từ 1,54 m trở lên, cân nặng từ 48 kg trở lên);

* Mắt: Được tuyển thí sinh (cả nam và nữ) mắc tật khúc xạ cận thị không quá 3 đi-ốp, kiểm tra thị lực sau chỉnh kính đạt Điểm 1.

+ Thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên thuộc khu vực 1, hải đảo và thí sinh là người dân tộc thiểu số, dự tuyển vào các trường: Được tuyển thí sinh (cả nam và nữ) có thể lực đạt Điểm 1 và Điểm 2, nhưng thí sinh nam phải đạt chiều cao từ 1,62 m trở lên;

+ Thí sinh nam là người dân tộc thiểu số thuộc 16 dân tộc rất ít người được Ủy ban Dân tộc của Chính phủ đưa vào Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 – 2020 (gồm các dân tộc: La Hủ, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Chứt, Lô Lô, Mảng, Cờ Lao, Bố Y, Cống, Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu, Phù Lá) dự tuyển vào tất cả các trường: Được lấy chiều cao từ 1,60 m trở lên (các tiêu chuẩn khác thực hiện như thí sinh là người dân tộc thiểu số nói chung);

+ Đối tượng đào tạo sĩ quan của các quân, binh chủng nếu tuyển chọn sức khỏe theo các tiêu chuẩn riêng vẫn phải đảm bảo tiêu chuẩn chung;

+ Tuyển sinh phi công tại Trường Sĩ quan Không quân, chỉ tuyển chọn thí sinh đã được Quân chủng Phòng Không – Không quân tổ chức khám tuyển sức khỏe, kết luận đủ điều kiện xét tuyển vào đào tạo phi công quân sự.

b) Tổ chức khám sức khỏe sơ tuyển: Thực hiện theo quy định tại Điều 21 của Thông tư số 17

– Thời gian tổ chức khám sức khỏe cho thí sinh đăng ký sơ tuyển vào 2 đợt:

+ Đợt 1 vào tuần 4 tháng 3-2017;

+ Đợt 2 vào tuần 2 tháng 4-2017.

– Thời gian cụ thể do Ban TSQS các đơn vị, địa phương bố trí cho phù hợp.

7. Về thời gian sơ tuyển

Từ ngày 1-3-2017 đến ngày 25-4-2017

TN/PLO