Giám định bổ sung, giám định lại trong các trường hợp nào?
Ngày đăng : 10:44, 25/01/2017
Tại khoản 4 Điều 102 BLTTDS năm 2015 quy định: Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định bổ sung trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ việc đã được kết luận giám định trước đó.
Như vậy, ngoài các trường hợp như quy định tại khoản 3 Điều 90 của BLTTDS năm 2004, BLTTDS năm 2015 đã bổ sung thêm một trường hợp “Khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ việc đã được kết luận giám định trước đó” .
Về việc giám định lại, khoản 5 Điều 102 BLTTDS năm 2015 quy định: Việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác, có vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp đặc biệt theo quyết định của Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án TAND tối cao theo quy định của Luật Giám định tư pháp.
Quy định trên cho thấy, ngoài các trường hợp như khoản 3 Điều 90 của BLTTDS năm 2004, BLTTDS năm 2015 đã bổ sung thêm trường hợp đặc biệt “theo quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo quy định của Luật giám định tư pháp”./.
Kỳ Sơn
Mời xem bài liên quan:
Đề nghị xử lý “chạy án” bằng giám định tâm thần
Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: Đương sự có quyền tự mình yêu cầu giám định
BLTTHS năm 2015: Mở rộng quyền yêu cầu giám định cho đương sự