Một số ý kiến về thời điểm chuyển đổi tư cách bị can sang tư cách bị cáo theo BLTTHS năm 2015

Ngày đăng : 11:36, 28/11/2016

(Kiemsat.vn) - Trong những giai đoạn nhất định của quá trình giải quyết vụ án hình sự thì tư cách bị can sẽ được chuyển đổi sang tư cách bị cáo. Vậy thế nào là “bị cáo”?

Tại khoản 1 Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định: “Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử…”. Tuy nhiên, nếu xét các Điều 277, 286 BLTTHS thì khái niệm “bị cáo” quy định tại Điều 61 nêu trên có phần không ổn khi xác định tư cách tố tụng của bị cáo.

Điều 277 BLTTHS quy định:

“1. Trong thời hạn 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định:

a) Đưa vụ án ra xét xử;

b) Trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung;

c) Tạm đình chỉ vụ án hoặc đình chỉ vụ án”

Đối chiếu quy định “bị cáo” tại khoản 1 Điều 61 BLTTHS thì chỉ trong trường hợp điểm a khoản 1 Điều 277 BLTTHS, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa quyết định đưa vụ án ra xét xử thì tư cách “bị can” mới được chuyển sang tư cách “bị cáo”. Trong hai trường hợp thuộc điểm b, c khoản 1 Điều 277 BLTTHS thì tư cách “bị can” vẫn được giữ nguyên không chuyển đổi sang tư cách “bị cáo”. Tuy nhiên, trong trường hợp Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án thì hậu quả pháp lý dẫn đến các quyết định này xảy ra trong hai trường hợp: Một là, Thẩm phán lựa chọn một trong ba quyết định tại các điểm a, b, c khoản 1 Điều 277 BLTTHS; hai là, quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án được đưa ra sau khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng phải trước ngày mở phiên tòa. Như vậy, việc gọi người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự là “bị cáo” như tại khoản 2 Điều 286 BLTTHS trong các quyết định tạm đình chỉ hay đình chỉ của Tòa án là không chính xác.

Từ các phân tích trên về các quy định tại các Điều 61, 277, 286 BLTTHS vẫn chưa thấy được sự thống nhất trong việc xác định thời điểm chuyển đổi từ tư cách “bị can” sang tư cách “bị cáo”. Các điều luật này đã cho thấy trong khoảng thời gian đầu của giai đoạn xét xử sơ thẩm thì người hoặc pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự vừa vẫn có thể là bị can, vừa vẫn có thể là bị cáo. Nhưng giữa hai tư cách tố tụng “bị can”, “bị cáo” này còn tồn tại một khoảng cách về tính chịu trách nhiệm hình sự và hậu quả pháp lý của nó. Thực tế, bất kỳ một bị can nào cũng đều muốn được đình chỉ việc giải quyết vụ án hình sự, tức là tư cách tố tụng của họ chỉ dừng lại là bị can mà không muốn bị tiếp tục giải quyết với tư cách tố tụng là bị cáo. Mặt khác, xác định đúng thời điểm chuyển đổi tư cách tố tụng là bị can sang tư cách tố tụng là bị cáo xét ở khía cạnh nào đó còn đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự.

Nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự và tránh những mâu thuẫn, bất cập như đã phân tích trên, chúng tôi kiến nghị một số nội dung sau:

Một là, bỏ thuật ngữ pháp lý “bị cáo” trong các khoản 2, 4 Điều 286 BLTTHS; các thuật ngữ pháp lý khác như bị can, người bào chữa…trong khoản 2, 4 điều này vẫn giữ nguyên (nhưng trong khoản 1 Điều 286 BLTTHS vẫn phải được giữ nguyên thuật ngữ “bị cáo”. Với giải pháp này thì tư cách tố tụng “bị can” và tư cách tố tụng “bị cáo” đều xuất hiện trong giai đoạn xét xử.

Hai là, sửa khoản 1 Điều 61 BLTTHS như sau: “Bị cáo là bị can đã bị Viện kiểm sát truy tố trước Tòa án. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật này”. Song song với việc sửa đổi này cần bỏ thuật ngữ pháp lý “bị can” trong khoản 2, 4 Điều 286 BLTTHS; các thuật ngữ pháp lý khác trong khoản 2, 4 điều này vẫn giữ nguyên. Với khái niệm “bị cáo” theo giải pháp này khẳng định rõ để chuyển từ tư cách tố tụng “bị can” sang tư cách tố tụng “bị cáo” thì trước đó người hoặc pháp nhân phải là bị can, đồng thời khái niệm này khắc phục được sự mâu thuẫn trong các Điều 61, 277, 286 đã phân tích trên. Nói cách khác giải pháp 2 sẽ khẳng định thời điểm chuyển đổi tư cách tố tụng hình của người hoặc pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự từ tư cách tố tụng “bị can” sang tư cách tố tụng “bị cáo” được xác định một cách rõ ràng từ thời điểm bị can bị Viện kiểm sát truy tố trước Tòa án.

Tóm lại, việc xác định được thời điểm chuyển đổi tư cách tố tụng từ bị can sang bọ cáo đúng đắn sẽ đảm bảo hơn quyền bào chữa của người hoặc pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Họ sẽ có sự chuẩn bị một sự bào chữa kỹ càng, nghiêm túc hơn thì mới có thể bác bỏ được sự buộc tội của Viện kiểm sát trước Tòa án hoặc ít nhất có thể làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong giai đoạn tố tụng này./.

Nguyễn Tất Bắc
VKSND huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai