Người bị tạm giữ, tạm giam chết thì giải quyết thế nào?
Ngày đăng : 10:30, 29/10/2016
(Kiemsat.vn) – Để lý giải câu hỏi này, Điều 26 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 đã quy định rất cụ thể, rõ ràng, khắc phục được những khó khăn, vướng mắc mà pháp luật hiện hành chưa giải quyết được. Theo đó, Điều luật quy định:
Trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam thì thủ trưởng cơ sở giam giữ phải tổ chức bảo vệ hiện trường, thông báo ngay cho Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát có thẩm quyền để tiến hành xác định nguyên nhân chết; đồng thời,
thông báo cho thân nhân, người đại diện hợp pháp của người chết. Đại diện cơ sở giam giữ phải chứng kiến việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Trường hợp người chết là người nước ngoài thì việc thông báo cho cơ quan lãnh sự và thân nhân, người đại diện hợp pháp của họ do cơ quan đang thụ lý vụ án thực hiện.
Cơ sở giam giữ làm thủ tục khai tử theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Khi Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đồng ý cho làm các thủ tục an táng người chết thì cơ sở giam giữ có trách nhiệm thông báo cho thân nhân của người chết.
Bên cạnh đó, Điều luật còn quy định rất cụ thể trường hợp thân nhân người chết có văn bản yêu cầu thì bàn giao thi hài đó cho họ, trừ trường hợp có căn cứ cho rằng việc đó ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường. Sau thời hạn 24 giờ kể từ khi thông báo mà họ không nhận thì cơ sở giam giữ có trách nhiệm tổ chức an táng. Trường hợp thân nhân của người chết có đơn đề nghị được nhận tro cốt hoặc hài cốt sau khi an táng thì thủ trưởng cơ sở giam giữ trao đổi với chính quyền địa phương giải quyết theo quy định của pháp luật. Việc an táng phải tuân thủ quy định của Bộ Y tế và của chính quyền địa phương.
Người nước ngoài bị tạm giữ, tạm giam chết thì giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo thỏa thuận quốc tế hoặc sự thỏa thuận trực tiếp về từng trường hợp cụ thể giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, tạm giam chết. Trường hợp chưa có điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế tương ứng hoặc giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước có người bị tạm giữ, tạm giam chết không thoả thuận thống nhất được về giải quyết trường hợp cụ thể hoặc không xác định được quốc tịch của người chết thì giải quyết như đối với người Việt Nam bị tạm giữ, tạm giam chết.
Kinh phí liên quan tới việc an táng do ngân sách nhà nước bảo đảm. Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
Người bị tạm giữ, người bị tạm giam chết mà trước đó đã có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội hoặc đang được hưởng lương hưu thì chế độ tử tuất giải quyết theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
Pháp luật hiện hành không những không quy định rõ ràng trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam chết thì giải quyết thế nào, mặt khác quy định thiếu hình thức hỏa táng gây khó khăn cho các thành phố lớn trong việc chôn cất, tuy nhiên, từ những quy định nêu trên của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 đã giải quyết được những khó khăn này./.
Hồng Phong