Các trường hợp Tòa án trả lại đơn kháng cáo bản án, quyết định

Ngày đăng : 10:14, 29/10/2016

Lần đầu tiên, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định mới, cụ thể, chỉ rõ các trường hợp Tòa án trả lại đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm

Kháng cáo là quyền của đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm. Khi thực hiện quyền kháng cáo, người kháng cáo phải làm đơn kháng cáo. Đơn kháng cáo phải có các nội dung chính như: Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo; tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo; kháng cáo toàn bộ hoặc phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật; lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo; chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.

Khoản 4 Điều 274 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nêu cụ thể nếu trong các trường hợp sau đây người kháng cáo sẽ bị Tòa án trả lại đơn kháng cáo:

– Người kháng cáo không có quyền kháng cáo: Người có quyền kháng cáo phải là đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân.

– Người kháng cáo không làm lại đơn kháng cáo hoặc không sửa đổi, bổ sung đơn kháng cáo theo yêu cầu của Tòa án cấp sơ thẩm theo quy định tại khoản 3 Điều 274 .

– Người kháng cáo không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, người kháng cáo phải nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm và nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm. Hết thời hạn này mà người kháng cáo không nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm thì được coi là từ bỏ việc kháng cáo, trừ trường hợp có lý do chính đáng (khoản 2 Điều 276)./.

Hồng Hải