Giao dịch dân sự vì nhu cầu thiết yếu của trẻ em không bị xem là vô hiệu

Ngày đăng : 07:26, 16/10/2016

(Kiemsat.vn) Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện cụ thể hơn so với Bộ luật Dân sự năm 2005; đồng thời, bổ sung điều khoản loại trừ các giao dịch dân sự không bị xem là vô hiệu.

Kế thừa của Bộ luật Dân sự năm 2005, Điều 215 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cụ thể hơn về đối tượng áp dụng, cũng như về ý chí của người đại diện: Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý.

Bên cạnh đó, điều luật cũng bổ sung quy định hoàn toàn mới, nêu rõ các trường hợp giao dịch dân sự của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện không bị xem là vô hiệu, như sau:

Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;

Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;

Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự./.

Hồng Hải