Không được dẫn giải người chưa thành niên đến Tòa dân sự làm chứng
Ngày đăng : 12:00, 07/10/2016
Trước đây, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2005 chỉ quy định về biện pháp xử lý đối với người làm chứng cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án, đó là dẫn giải, cảnh cáo, phạt tiền. (Điều 386); Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung thêm hai đối tượng nữa là người phiên dịch, người giám định đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng cố ý không đến Tòa án hoặc không có mặt tại phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và nếu sự vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc thu thập, xác minh chứng cứ hoặc giải quyết vụ việc thì bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 490).
Bên cạnh đó, khoản 2,3 Điều 490 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định cụ thể hơn về dẫn giải người làm chứng. Dẫn giải được Tòa án quyết định áp dụng trong trường hợp người làm chứng đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng cố ý không đến Tòa án hoặc không có mặt tại phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và nếu sự vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc thu thập, xác minh chứng cứ hoặc giải quyết vụ việc; quyết định dẫn giải người làm chứng phải ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định; họ, tên, chức vụ người ra quyết định; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người làm chứng; thời gian, địa điểm người làm chứng phải có mặt; cơ quan công an có nhiệm vụ thi hành quyết định của Tòa án dẫn giải người làm chứng. Người thi hành quyết định dẫn giải người làm chứng phải đọc, giải thích quyết định dẫn giải cho người bị dẫn giải biết và lập biên bản về việc dẫn giải.
Những quy định nêu trên không áp dụng đối với người chưa thành niên và như vậy Tòa án không có quyền ra quyết định dẫn giải người chưa thành niên đến Tòa án dân sự để làm chứng./.
Hồng Hải