Quy định mới về quyền bào chữa của người dưới 18 tuổi bị buộc tội

Ngày đăng : 02:30, 22/08/2016

(Kiemsat.vn) - Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (Điều 422) đã bổ sung quy định khẳng định quyền bào chữa của người dưới 18 tuổi bị buộc tội.

Tại khoản 4 Điều 31 Hiến pháp năm 2013 quy định: Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã cụ thể hóa nguyên tắc Hiến định nêu trên tại Điều 16 về bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự: Người bị buộc tội có quyền bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

Về vấn đề quyền bào chữa của người chưa thành niên, Điều 305 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 mới chỉ quy định quy định một cách khái quát: Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên có thể lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Đến Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể về vấn đề bào chữa của người dưới 18 tuổi (Bộ luật năm 2015 đã thay cụm từ người chưa thành niên bằng cụm từ người dưới 18 tuổi).

Điểm đáng chú ý là, Điều 422 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung quy định khẳng định quyền bào chữa của người dưới 18 tuổi: Người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa. Ngoài ra, Điều luật đã bỏ cụm từ mang tính chất tùy ghi “có thể” và thay vào đó là cụm từ “có quyền”: Người đại diện của người dưới 18 tuổi bị buộc tội có quyền lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội.

Như vậy, việc sửa đổi, bổ sung quy định rõ hơn cơ chế thực hiện quyền bào chữa của người dưới 18 tuổi bị buộc tội sẽ đảm bảo sự chặt chẽ, cụ thể về trình tự, thủ tục bào chữa, bảo vệ tốt hơn các quyền và lợi ích hợp của họ khi tham gia tố tụng.

Dưới đây là bảng so sánh:

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003

Điều 305. Bào chữa

1. Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người chưa thành niên có thể lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

2. Trong trường hợp bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc người đại diện hợp pháp của họ không lựa chọn được người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Điều 422. Bào chữa

1. Người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa.

2. Người đại diện của người dưới 18 tuổi bị buộc tộiquyền lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho người dưới 18 tuổi bị buộc tội.

3. Trường hợp người bị buộc tội là ngườidưới 18 tuổi không người bào chữa hoặc người đại diện của họ không lựa chọn người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải chỉ định người bào chữa theo quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.

Kỳ Sơn