Bổ sung quy định Kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra
Ngày đăng : 05:18, 13/08/2016
Kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thuộc Tổng cục Thủy sản trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện xử lý vi phạm pháp luật và thanh tra chuyên ngành thủy sản trên các vùng biển Việt Nam.
Do lực lượng Kiểm ngư có đặc thù hoạt động trên vùng biển rộng lớn, cách xa đất liền nhiều ngày nên để đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay thì cơ quan này cần có thẩm quyền thực hiện một số hoạt động điều tra khi có tội phạm xảy ra trên địa bàn hoạt động.
Xuất phát từ thực tế đó, Bộ luật Tố tụng hình sự đã bổ sung quy định Kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; đồng thời quy định người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Kiểm ngư gồm: Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng và cán bộ điều tra thuộc các cơ quan của Kiểm ngư.
Nhằm tạo hành lang pháp lý để cơ quan này hoạt động có hiệu quả, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra.
Tại khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về những nhiệm vụ, quyền hạn của cấp trưởng, gồm: Trực tiếp chỉ đạo hoạt động thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự theo thẩm quyền; quyết định phân công hoặc thay đổi cấp phó, cán bộ điều tra trong việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự; kiểm tra hoạt động thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự của cấp phó và cán bộ điều tra; quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cấp phó, cán bộ điều tra; quyết định giao người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi cho người đại diện của họ giám sát; khi vắng mặt, cấp trưởng ủy quyền cho một cấp phó được thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cấp trưởng. Cấp phó chịu trách nhiệm trước cấp trưởng về nhiệm vụ được ủy quyền. Cấp trưởng, cấp phó không được ủy quyền cho cán bộ điều tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Điều luật này cũng quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng khi tiến hành tố tụng đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng (khoản 2) và khi tiến hành tố tụng hình sự đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp (khoản 3).
Các nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ điều tra thuộc các cơ quan của Kiểm ngư được quy định tại khoản 4 Điều 39, gồm: Lập hồ sơ giải quyết nguồn tin về tội phạm; lấy lời khai của những người có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm; lập hồ sơ vụ án hình sự; hỏi cung bị can; lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người làm chứng, bị hại, đương sự; tiến hành khám nghiệm hiện trường; thi hành lệnh khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án.
Như vậy, có thể thấy nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ điều tra ở cơ quan này khác với Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra chuyên trách, trực tiếp thực hiện nhiều nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng./.
Kỳ Sơn