BLTTDS năm 2015: Tòa án phải hỏi ý kiến của bị đơn khi đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

Ngày đăng : 04:35, 21/07/2016

(Kiemsat.vn) - Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án có thể ra nhiều quyết định khác nhau tùy theo từng giai đoạn tố tụng. Trong đó có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án nếu thuộc các trường hợp luật định.

Quy định về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là những quy định có vị trí quan trọng trong việc giải quyết vụ án dân sự. Bởi lẽ, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự được xem như một phương thức xử lý đặc biệt của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án dân sự.

Trước đây, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) tại điểm c và điểm e khoản 1 Điều 192 quy định: Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây: “Người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Tòa án chấp nhận hoặc người khởi kiện không có quyền khởi kiện”;

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) sẽ có hai trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đó là trường hợp “người khởi kiện rút đơn khởi kiện và được Tòa án chấp nhận” và trường hợp “người khởi kiện không có quyền khởi kiện”.

Hiện nay, chưa có hướng dẫn nào của các cơ quan tiến hành tố tụng về những trường hợp nào thì Tòa án được chấp nhận việc rút đơn khởi kiện và những trường hợp nào thì Tòa án không được chấp nhận đơn khởi kiện. Do đó, thực tế đã có nhiều vướng mắc, bất cập trong thi hành quy định này. Trong số những vụ án Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, có những vụ án Tòa án ra quyết định đình chỉ đối với những vụ án được thụ lý theo quyết định giám đốc thẩm xử hủy án sơ thẩm, phúc thẩm, giao lại cho Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý, giải quyết lại. Sau khi Tòa án sơ thẩm thụ lý lại, nguyên đơn rút đơn khởi kiện và Tòa án đã căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS, chấp nhận việc rút đơn khởi kiện và ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Trong những trường hợp này, có những vụ án rõ ràng là quyền lợi của bị đơn bị xâm phạm nhưng Viện kiểm sát không có căn cứ để kháng nghị nhằm bảo vệ quyền lợi cho đương sự. Khi bị đơn có kháng cáo thì cấp phúc thẩm cũng không có căn cứ để hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, tại khoản 4 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định rõ: Đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm mà Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án thì Tòa án đồng thời phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác có liên quan (nếu có); trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì việc đình chỉ giải quyết vụ án phải có sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đây là một quy định mới trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, là cơ sở để ngành Tòa án nhân dân thực hiện thống nhất, đồng bộ, cũng là cơ sở pháp lý để Viện kiểm sát các cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự./.

Nguyễn Long