Cấm người có hành vi bạo lực gia đình tiếp xúc với nạn nhân
Ngày đăng : 05:04, 17/07/2016
Trong thời gian qua tình trạng bạo lực gia đình xuất hiện ngày càng nhiều ở mọi nơi, mọi lúc và phổ biến ở mọi tầng lớp xã hội với nhiều loại đối tượng khác nhau. Bạo lực gia đình được thể hiện ở nhiều dạng khác nhau: Bạo lực về thể chất, bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế, bạo lực về tình dục…
Nghiêm trọng hơn bạo lực gia đình đã xâm phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm, tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Thậm chí nó còn làm xói mòn về đạo đức, mất tính dân chủ xã hội và ảnh hưởng xấu đến thế hệ tương lai.
Bạo lực gia đình không chỉ gây tổn hại đến tâm lý và sức khỏe của người bị bạo hành mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và sức khỏe của những đứa trẻ phải chứng kiến bạo lực gia đình. Đây cũng là nguy cơ gây tan vỡ và suy giảm sự bền vững của gia đình.
Tuy nhiên, bạo lực gia đình là một vấn đề nhạy cảm, phức tạp, gắn liền với truyền thống, văn hóa, phong tục, tập quán của mỗi địa phương và nhận thức, suy nghĩ của người dân.
Để hạn chế những tác động xấu do nạn bạo lực gia đình gây ra, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã bổ sung một điểm mới “Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình” quy định tại Điều 129 như sau:
“Cấm người có hành vi bạo lực gia đình tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình được áp dụng nếu biện pháp đó là cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe danh dự của nạn nhân bạo lực gia đình theo quy định của Luật phòng chống bạo lực gia đình”.
Đây là một quy định mới trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, một biện pháp được áp dụng khi cần thiết để ngăn chặn nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự của nạn nhân bạo lực gia đình. Đồng thời, việc bổ sung quy định mới này trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình, thể hiện rõ chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực gia đình, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mọi công dân trong gia đình và xã hội./.
Nguyễn Long