Quy định rõ hơn các chủ thể có quyền nhận xét về kết luận giám định tại phiên tòa

Ngày đăng : 08:14, 15/07/2016

(Kiemsat.vn) - Khi được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền nhận xét về kết luận giám định; hỏi những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định hoặc có mâu thuẫn với những tình tiết khác của vụ án.

Đây là một quy định mới được sửa đổi, bổ sung trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Trước đây, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) tại Điều 230 cũng đã có quy định về hỏi người giám định: “…Kiểm sát viên, những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa có quyền nhận xét về kết luận giám định…”. Nhưng đây mới chỉ là những quy định chung chung về người tham gia tố tụng được hỏi về kết luận giám định và những vấn đề liên quan.

BLTTDS năm 2015 sửa đổi, bổ sung đã quy định rõ hơn các chủ thể là đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền nhận xét về kết luận giám định và hỏi về một số vấn đề liên quan trong kết luận giá định liên quan đến vụ án.

Tuy nhiên, các việc nhận xét, hỏi và một số vấn đề liên quanđến kết luận giám định của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự… chỉ được diễn ra sau khi được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa. Đây là quy định về nguyên tắc xử sự của các chủ thể tại phiên tòa nó có tính chất bắt buộc với các chủ thể phải tuân theo khi tham gia tố tụng tại phiên tòa nhằm đảm bảo cho việc xét xử được trang nghiêm.

Dưới đây là bảng so sánh giữa 02 điều luật trong BLTTDS năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011 và BLTTDS năm 2015:

Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011

Điều 230. Hỏi người giám định

1. Chủ toạ phiên toà yêu cầu người giám định trình bày kết luận của mình về vấn đề được giao giám định. Khi trình bày, người giám định có quyền giải thích bổ sung về kết luận giám định, các căn cứ để đưa ra kết luận giám định.

2. Kiểm sát viên, những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên toà có quyền nhận xét về kết luận giám định, được hỏi những vấn đề còn chưa rõ, hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định hoặc có mâu thuẫn với những tình tiết khác của vụ án.

3. Trong trường hợp người giám định không có mặt tại phiên toà thì chủ toạ phiên toà công bố kết luận giám định.

4. Khi có người tham gia tố tụng không đồng ý với kết luận giám định được công bố tại phiên toà và có yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại, nếu xét thấy việc giám định bổ sung, giám định lại là cần thiết cho việc giải quyết vụ án thì Hội đồng xét xử quyết định giám định bổ sung, giám định lại; trong trường hợp này thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên toà.

Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

Điều 257. Hỏi người giám định

1. Chủ tọa phiên tòa yêu cầu người giám định trình bày kết luận của mình về vấn đề được yêu cầu giám định. Khi trình bày, người giám định có quyền giải thích về kết luận giám định, các căn cứ để đưa ra kết luận giám định.

2. Kiểm sát viên, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người tham gia tố tụng khác có mặt tại phiên tòa có quyền nhận xét về kết luận giám định; hỏi những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định hoặc có mâu thuẫn với những tình tiết khác của vụ án sau khi được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa.

3. Trường hợp người giám định không có mặt tại phiên tòa thì chủ tọa phiên tòa công bố kết luận giám định.

4. Khi có đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự không đồng ý với kết luận giám định được công bố tại phiên tòa và có yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại, nếu xét thấy việc giám định bổ sung, giám định lại là cần thiết cho việc giải quyết vụ án thì Hội đồng xét xử quyết định giám định bổ sung, giám định lại; trong trường hợp này, Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 259 của Bộ luật này.

Nguyễn Long