Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng hành chính

Ngày đăng : 10:00, 26/06/2016

Khoản 2 Điều 66 Luật Tố tụng hành chính năm 2010 mới chỉ quy định trách nhiệm do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng, chưa có quy định trách nhiệm do không ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc chậm ra quyết định trong trường hợp […]

Khoản 2 Điều 66 Luật Tố tụng hành chính năm 2010 mới chỉ quy định trách nhiệm do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng, chưa có quy định trách nhiệm do không ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc chậm ra quyết định trong trường hợp cần phải ra quyết định gây thiệt hại cho đương sự. Do đó, để nâng cao trách nhiệm của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng hành chính, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 đã bổ sung quy định về trách nhiệm của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thời hạn hoặc không áp dụng mà gây thiệt hại cho người có yêu cầu; cụ thể là:

Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà không có lý do chính đáng, gây thiệt hại cho người có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án phải bồi thường (khoản 3 Điều 72).

Bên cạnh đó Luật cũng đã bổ sung quy định mới về các trường hợp Tòa án ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, gồm: Người đã yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị hủy bỏ; căn cứ của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không còn; vụ án đã được giải quyết bằng bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; các trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện theo quy định của Luật này hoặc vụ án được đình chỉ theo quy định tại Điều 143 của Luật này (khoản 2 Điều 74)./.

THANH HUYỀN