Mở rộng đối tượng được bảo vệ trong Tội xâm phạm chỗ ở của người khác

Ngày đăng : 09:45, 26/06/2016

Tại khoản 1 Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm…”.

Như vậy, khoản 1 Điều này đã thay cụm từ “công dân” bằng cụm từ “người khác” nhằm xác định rõ khách thể được bảo vệ là quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của mọi cá nhân, bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 22 Hiến pháp năm 2013 “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở”. Việc thay cụm từ trên cũng được thể hiện ngay ở tên Điều luật này.

Khoản 1 cũng đã sửa đổi, bổ sung quy định về hành vi “đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân” thành các trường hợp phạm tội cụ thể:

– Dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực, gây sức ép về tinh thần hoặc thủ đoạn trái pháp luật khác buộc người khác phải rời khỏi chỗ ở hợp pháp của họ;
– Dùng mọi thủ đoạn trái pháp luật nhằm chiếm, giữ chỗ ở hoặc cản trở trái phép, không cho người đang ở hoặc quản lý hợp pháp chỗ ở được vào chỗ ở của họ;
– Tự ý xâm nhập chỗ ở của người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà hoặc người quản lý hợp pháp.

Về hình phạt, khoản 1 Điều 158 đã loại bỏ hình phạt cảnh cáo, tăng thời hạn cải tạo không giam giữ đến 02 năm (Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định đến 01 năm), nâng mức hình phạt tù lên thành từ 03 tháng đến 02 năm (Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định từ 03 tháng đến 01 năm).

Điểm đáng chú ý nữa là, khoản 2 Điều 158 đã bổ sung tình tiết định khung tăng nặng “Phạm tội 02 lần trở lên” và cụ thể tình tiết “Gây hậu quả nghiêm trọng” thành các tình tiết: “Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát”; “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi trong thực tiễn áp dụng./.

KỲ SƠN