Làm gì khi muốn ly hôn mà một bên không đồng ý
Ngày đăng : 09:49, 07/04/2017
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo một bản án hay quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, là khi cuộc sống hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Ly hôn không phải là một việc làm gì đó xấu xa, mà trái lại hết trong mọi trường hợp, ly hôn là giải pháp cuối cùng để giải thoát cho cuộc sống hôn nhân đã lâm vào ngõ cụt của các cặp vợ chồng.
Ảnh minh họa: Internet
Ly hôn được phân thành hai loại là thuận tình ly hôn và đơn phương ly hôn. Thuận tình ly hôn là việc vợ chồng đã thỏa thuận được về tất cả các vấn đề hôn nhân, con cái và tài sản. Đơn phương ly hôn hay còn gọi là ly hôn theo yêu cầu của một bên là việc một trong hai bên vợ hoặc chồng nộp đơn ly hôn yêu cầu tòa án chấm dứt quan hệ hôn nhân của mình đối với bên còn lại.
Trường hợp của bạn, theo Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là ly hôn theo yêu cầu của một bên hay đơn phương ly hôn. Về thủ tục bạn phải chuẩn bị các giấy tờ như:
Đơn xin ly hôn;
Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);
Chứng minh nhân dân (bản sao chứng thực);
Sổ hộ khẩu (bản sao chứng thực), giấy khai sinh của con (nếu có);
Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản của vợ chồng (nếu có)…
Khi bên có yêu cầu chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ nêu trên thì Tòa án mới tiến hành thụ lý đơn. Tuy nhiên, không phải lúc nào người yêu cầu cũng cung cấp đủ các loại giấy tờ nêu trên. Có một số trường hợp, người vợ hoặc chồng vì không muốn ly hôn với người còn lại nên đã cất giấu một số hoặc tất cả các giấy tờ nêu trên. Vậy trong những trường hợp như vậy, người có yêu cầu ly hôn phải làm gì để Tòa án chấp nhận đơn ly hôn của mình?
Trong trường hợp không có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, người có yêu cầu có thể ra Ủy ban nhân dân cấp xã/ phường nơi đã tiến hành đăng ký kết hôn để yêu cầu trích lục lại hồ sơ về việc đã đăng ký kết hôn.
Trường hợp không có chứng minh nhân dân, có thể sử dụng sổ hộ khẩu để thay thế. Việc sử dụng sổ hộ khẩu nhằm mục đích chứng minh người bị yêu cầu cư trú tại địa phương đó. Đây cũng là căn cứ để xác định xem tòa án nào có thẩm quyền giải quyết.
Trường hợp không có sổ hộ khẩu, người có yêu cầu có thể liên hệ với công an xã /phường nơi họ thường trú xác nhận rằng họ là nhân khẩu thường trú tại địa phương. Việc xác nhận này có thể làm thành một đơn riêng, cũng có thể nhờ cơ quan công an xác nhận ngay vào đơn xin ly hôn.
Trường hợp không có giấy khai sinh của con (nếu có con chung), người yêu cầu có thể liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi đã đăng ký khai sinh để xin cấp bản sao.
Khi người có yêu cầu đã áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết mà vẫn không thể có được đầy đủ các giấy tờ nêu trên (vì một lý do cụ thể, chính đáng) để được giải quyết ly hôn thì người yêu cầu có quyền đề nghị Tòa án yêu cầu người bị yêu cầu cung cấp các giấy tờ cần thiết đó.
Lê Thương