Bé 10 tuổi bị bố đẻ và mẹ kế bạo hành: Tột cùng phẫn nộ

Ngày đăng : 11:26, 08/12/2017

(Kiemsat.vn) - Ngày 6/12, Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội tạm giữ Trần Hoài Nam (34 tuổi, ở phường Nghĩa Đô) để điều tra hành vi bạo hành con ruột 10 tuổi. Cùng ngày, Cơ quan điều tra đã đưa Nam về nhà để thực nghiệm việc bạo hành.

Từ cuộc trốn chạy thành công

Năm 2014, vợ chồng chị Nguyễn Thị Ngân và Trần Hoài Nam ly hôn sau nhiều năm chung sống, mỗi người nuôi một con. Từ đó đến đầu năm 2016, Kh. sống cùng bố ruột, mẹ kế và ông bà nội ở nhà riêng trên phố Hoàng Hoa Thám. Theo thỏa thuận, vào cuối tuần, mẹ được gặp con, nhưng việc này cũng liên tục bị cản trở bởi người chồng với đủ các lý do. Lần cuối cùng, chị Ngân được gặp con là cách đây 2 năm do sau đó Nam đã thuê trọ tại phố Lạc Long Quân (phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy).

Bất ngờ, đêm 5/12/2017, cháu Trần Gia Kh. cố tìm về nhà ông bà nội ở Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội) trong bộ dạng tiều tuỵ, kiệt sức, người nhiều vết thương. Khi cháu bé về được đến nhà ông bà nội, ông bà nội không nhận ra vì cháu tóc dài, mặc quần áo như bộ pijama. Đón cháu trong bộ dạng này, ông bà hết sức lo lắng và gặng hỏi thì được bé kể lại, thời gian sống cùng bố thường xuyên bị bố đánh đập, bạo hành. Quá sốc trước sự việc này, gia đình đã đưa cháu Kh. ra công an phường Ngọc Hà để trình báo đồng thời thông báo sự việc với chị Nguyễn Thị Ngân là mẹ của cháu bé. Khi biết tin, chị Ngân vội vàng đến gặp con thì sửng sốt khi nhìn thấy con trai trong bộ dạng như một đứa bé suy dinh dưỡng, trên người chằng chịt vết sẹo.

Cháu Kh. bị bạo hành dẫn đến chấn thương sọ não, xương sườn bị tổn thương 70%, nhiều vết thương phần mềm khắp cơ thể – ảnh Tiến Nguyên

Theo lời bé Kh. thì suốt 2 năm qua cháu không được đi học, phải làm tất cả mọi việc trong nhà. Thường thì cháu chỉ được ăn bánh mỳ khô, mỳ tôm sống và ăn cơm nguội, thực sự cháu rất đói. Đêm đến cháu chỉ được trải ga mỏng ngủ dưới nền gạch chứ không được vào phòng. Có những hôm Kh. bị mẹ kế dùng móc sắt đánh vào người, dùng muôi ăn lẩu đập vào đầu khiến chảy máu, thậm chí, còn bị bố ruột đạp vào mạn sườn rất mạnh. Bé Kh. hiện trong tình trạng hoảng sợ, sút cân trầm trọng, trước đây, cháu bé nặng gần 40kg nhưng giờ chỉ còn hơn 20kg.

Chiều 7/12, bác sĩ Đồng Hà Trung – khoa Cấp cứu, Bệnh viện E cho biết: Thời điểm hiện tại, bé Kh. bị bạo hành không bị nguy hiểm đến tính mạng nhưng trên cơ thể có rất nhiều chấn thương phần mềm, cả cũ lẫn mới.với tình trạng đau đầu, bệnh nhân đã được các bác sĩ theo dõi chấn thương sọ não, chụp CT phần não, X quang ngực và siêu âm ổ bụng. Kết quả các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân có những chấn thương kín, có tổn thương xương sườn đến 70% và hiện đang tiếp tục được theo dõi tại BV E Hà Nội.

Trần Hoài Nam thực nghiệm việc bạo hành con đẻ

Suốt 2 năm bị hành hạ dã man, cháu Kh. đã tiết kiệm được 6,000 đồng để sẵn sàng trốn chạy, tính đến trước khi bỏ trốn thành công hôm 5/12, cháu đã 3 lần đi xuống dưới nhà để chạy thoát ra ngoài nhưng bị người lao công của tòa nhà chặn lại do bố mẹ đã quán triệt, nhờ vả. Đến chiều 5/12, cháu K. đã ghi nhớ và mở được khóa mã cửa ra vào, bỏ trốn ra ngoài. Ông Đỗ Xuân Tuấn, anh ruột bà ngoại cháu K., là người đưa cháu K. đến bệnh viện và đến trụ sở công an để tường trình sự việc cùng với mẹ cháu cho biết: “Nó chạy ra ngoài, trong túi có 6 nghìn, gặp một ông xe ôm, hỏi về nhà ông bà nội hết bao nhiêu tiền. Ông xe ôm nói hết 50 nghìn, nó mới bảo cháu chỉ có 6 nghìn thôi. Sau đó, ông xe ôm đưa nó ra bến xe buýt, nhờ một người khách đứng chờ xe buýt đưa lên xe rồi cho cháu thêm 2 nghìn mua vé.

Bạo hành trẻ em – không thể dung thứ

Tùy tính chất, mức độ của hành vi bạo hành trẻ em mà pháp luật xử phạt hành chính hay xử lý về hình sự:

Điều 185 BLHS năm 2015 quy định về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình

1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần; b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;

b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.

Nếu hành vi bạo hành gây thương tích cho nạn nhân thì phải chịu trách nhiệm về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 BLHS năm 2015) với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Ngày 28/11, Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn gửi Ủy ban Quốc gia về trẻ em; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Bộ Lao động – TB&XH; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Công an; TANDTC; VKSNDTC; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thông báo ý kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang về các vụ bạo hành, xâm hại, thậm chí sát hại trẻ em xảy ra tại một số địa phương. Theo đó, Chủ tịch nước yêu cầu:

– Ủy ban Quốc gia về trẻ em, các bộ, ngành liên quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về trẻ em, nhất là Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05-11-2012 của Bộ Chính trị (Khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới, Luật Trẻ em năm 2016.

– Bên cạnh đó, đề nghị các bộ, ngành liên quan, các địa phương có các giải pháp hiệu quả bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

– Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật tại các trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ trong cả nước để phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em.

Sơn Tùng

(tổng hợp)